ClockThứ Hai, 01/08/2022 14:47

Nơi chốn bình yên

Vậy là cuối cùng, mẹ tôi cũng quyết định nhập viện để chữa bệnh xương, khớp. Căn bệnh không làm chết người, nhưng gây đau nhức, khổ sở cho người bệnh, đặc biệt là đối với người già.

Nhà có 3 đứa con thì tôi và anh trai cả ở tỉnh khác; cô em út ở gần cạnh ba mẹ, nhưng cũng lo công việc, gia đình riêng, chỉ có thể  chạy qua chạy lại “chớp nhoáng”. Ba tôi 85 tuổi, nhiều bệnh tật, sức khỏe rất yếu, phải thường xuyên ăn các món ăn nấu nhừ; nhớ nhớ quên quên nên từng bữa thuốc phải có người làm “báo thức”. Dù đã 81 tuổi, lưng ngày càng còng xuống, đi từng bước khó khăn, nhưng mẹ tôi vẫn là người lụm cụm nấu nướng, chăm sóc cho ba từng bữa ăn, bữa thuốc hằng ngày. Mà chỉ có mẹ nấu mới đúng khẩu vị, để ba tôi có thể ăn được; nếu nhập viện điều trị, mẹ không yên tâm. Vậy nên, “cái hẹn” chữa bệnh cứ lùi lại mãi.

Xin nghỉ phép, tôi về quê “trông” ba; cô em gái lo những chuyện liên quan đến việc điều trị bệnh của mẹ. Hôm đó trước khi nghỉ phép, công việc chưa giải quyết xong nên tôi bỏ lỡ các chuyến tàu xuất phát lúc ban ngày, nên phải đi chuyến tàu lúc 3h30 phút sáng. Về đến nhà cũng đã gần 7h30, là lúc em gái đã đưa mẹ đến viện. Ba lãng tai nặng, bình thường không có “phản ứng” gì đối với những âm thanh bên ngoài cánh cửa. Nhưng hôm đó, chỉ mới nghe tiếng chú cún “đón khách”, ba đã gọi tên tôi, hỏi “có phải con đó không” bằng giọng vui mừng. Có nghĩa, ba mẹ luôn chờ đợi, mong ngóng con cái biết nhường nào.

Ba tôi: “Ba tưởng tối qua là con về đến nhà, nên đã mắc sẵn mùng rồi đó”. Ngày xưa ba thường móc mùng. Các con đã ngủ say, ba lại cẩn thận nhém từng góc mùng để muỗi không có cơ hội nào lọt vào được. Có lớn khôn chừng nào đi nữa thì đối với ba mẹ, con cái vẫn là thơ bé. Bao nhiêu mệt nhọc cơm áo gạo tiền “lùi lại”, trước yêu thương vô bờ bến của ba mẹ.

Tôi nhớ ngày xưa thiếu thốn đủ thứ. Triền miên những bữa cơm độn sắn, bo bo, với rau mắm đạm bạc. Vậy nên các bữa kỵ giỗ, đặc biệt là ba ngày tết, là dịp mà những đứa trẻ mong đợi nhất, vì sẽ được ăn những món ngon. Nhưng sau khi hạ mâm cỗ xuống, trước sự háo hức chỉ muốn được ăn ngay của các con, ba mẹ tôi lấy bát đĩa sạch, cẩn thận san một phần các món ngon, mang biếu mẹ con bác hàng xóm nghèo nhất trong thôn. Đó là người phụ nữ lớn tuổi, kiếm món tiền ít ỏi bằng thúng bánh lọc, đi bộ bán từ làng trên đến xóm dưới, nuôi đứa con nuôi tật nguyền. Nghe đâu hồi trước đứa trẻ bị bỏ rơi, chẳng ai chịu nhận, dù nghèo khổ, nhưng tội nghiệp quá, nên bà mang về cưu mang.

Thương hoàn cảnh mẹ con người hàng xóm, quý một tấm lòng, nên có món gì ngon, ba mẹ tôi không quên chia sẻ. Phần thức ăn ngon còn lại, để các con ăn thỏa thích, ba mẹ chỉ gắp qua vài miếng. Ba mẹ tôi còn chia sẻ với nhiều người khác trong thôn, lúc chai nước mắm tự tay mẹ làm, lúc một vài lon gạo quý giá, khi gia đình họ có người đau ốm. Trước ánh mắt tiếc nuối của các con, bao giờ ba mẹ cũng bảo, nhà mình là diện cán bộ, có sổ gạo, ít nhiều cũng còn có gạo. Nhà mấy bác, mấy dì ấy lao động chân tay, vất vả hơn nhiều. Sau này, càng nhiều tuổi, tôi càng hay nhớ lại, suy ngẫm về điều này, để vỡ lẽ về những yêu thương, nhường nhịn.

Khi mẹ từ bệnh viện trở về, điều đầu tiên ba nhắc tôi: “Con hỏi thăm xem mẹ chữa bệnh thế nào rồi. Mẹ đỡ đau chưa”. Trong câu chuyện “ríu rít”, ba nói với mẹ: “Mấy trái bưởi trong vườn ăn được rồi. Để anh hái, bảo mấy đứa mang cho hàng xóm bớt”. Mẹ: “Mình lựa quả mô đẹp nhất mà cho…”.

Ba mẹ đều đã ở tuổi “gần đất xa trời”, lắm khi cũng chướng tính hoặc nhớ nhớ quên quên. Nhưng những tình cảm quan tâm, yêu thương, chia sẻ…, mãi vẫn đầy; cho tôi một nơi chốn bình yên.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 45 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17/2/1979 - 17/2/2024)
Không thể quên những người đã vì biên cương bình yên

Cách đây 45 năm, quân và dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhắc lại cuộc chiến là cách tri ân những thế hệ cha anh đã đổ xương máu để biên cương bình yên và cũng là thêm một lần nhắc nhớ về một Việt Nam có chủ quyền và luôn hướng tới một tương lai hòa bình, hữu nghị và hợp tác để cùng nhau phát triển.

Không thể quên những người đã vì biên cương bình yên
Chuyện bắt trộm tại chợ Đông Ba

Là một khu chợ sầm uất, đông người qua lại, Đội Trật tự bảo vệ ngày (TTBVN) của chợ Đông Ba cũng đối mặt với nhiều tình huống người dân, tiểu thương bị mất cắp khi tham gia mua sắm ở chợ. Tuy vậy, các đối tượng trộm cắp, lừa đảo tại chợ đều bị Đội TTBVN tóm gọn.

Chuyện bắt trộm tại chợ Đông Ba
Những bình yên bên hiên nhà

Ngày mùa đông thảnh thơi ngồi bên bếp lửa hồng, thong dong ngắm nhìn mưa bay và gió lạnh chầm chậm dừng chân bên thềm nhà. Chỉ có sự an yên tràn trong chái bếp nhỏ. Bữa cơm thanh lành giữa chiều bình dị đầy tiếng chim lích chích trong khu vườn xanh bóng lá. Những bức tranh yên ấm ấy, luôn trở đi trở lại trong tập thơ, tản văn “Tiếng mưa” (NXB Dân Trí, 2023) của Lê Bích Nguyệt như nỗi khát khao về một nhịp sống đầy tự tại bên cây cỏ, hoa lá, để năm tháng cứ thế bình lặng đi qua hết dâu bể cuộc đời.

Những bình yên bên hiên nhà
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP
5 lưu ý khi có dự định thay đổi công việc vào cuối năm

Cuối năm thường là thời điểm mà thị trường lao động có nhiều biến đổi, khá nhiều người lựa chọn thời điểm này để thay đổi công việc. Tuy nhiên, “nhảy” việc vừa là cơ hội vừa tiềm tàng nhiều nguy cơ nếu bạn chưa biết cách chọn phù hợp.

5 lưu ý khi có dự định thay đổi công việc vào cuối năm
Bình yên trên nẻo biên cương

Lãnh đạo hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy & tội phạm (PCMT&TP); xây dựng lực lượng chuyên trách PCMT&TP vững mạnh toàn diện trong tình hình mới, là nhiệm vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh thực hiện, triển khai trong 5 năm qua, góp phần giữ gìn vững chắc an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) ở khu vực biên giới.

Bình yên trên nẻo biên cương
Return to top