ClockThứ Ba, 10/05/2022 06:45

Nông nghiệp đang đi đúng hướng

TTH - Lựa chọn sản phẩm phù hợp gắn với sản xuất an toàn, theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu, phù hợp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

Nâng tầm “gạo thơm Thủy Thanh”Đưa nông sản “lên sàn”Hướng đến giá trị bền vững cho sản phẩm nông nghiệp

Mô hình trồng cà chua công nghệ cao ở Quảng Thọ (Quảng Điền)

Chọn sản phẩm phù hợp

Sản phẩm chủ lực, OCOP tại các địa phương đã và đang được cơ cấu lại theo định hướng trọng tâm là phát triển sản phẩm có lợi thế và theo nhu cầu thị trường. Tỉnh tập trung phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực theo ba cấp độ. Đó là nhóm sản phẩm thuộc danh mục chủ lực quốc gia như gạo, tôm, thịt, trứng gia cầm, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh như cá vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm chua, ruốc, mắm các loại, lúa gạo chất lượng cao, thanh trà, sen Huế, tinh dầu tràm, tinh dầu sả và các loại tinh dầu từ dược liệu. Nhóm sản phẩm chủ lực đặc sản, có giá trị cá biệt cấp vùng, miền, địa phương gắn với chương trình OCOP.

Ông Trương Duy Hòa ở thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) khẳng định, những diện tích lúa chuyển sang trồng sen cho năng suất bình quân từ 20-22 tạ/ha, tương đương 100-110 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Các diện tích lúa chuyển sang trồng cây hàng năm khác như đậu đỗ, lạc, rau màu các loại, bình quân mỗi ha lãi 18-20 triệu đồng, gấp 2 lần so với trồng lúa. Tại nhiều địa phương vùng cát ven đầm phá trồng dưa hấu cho thu nhập 100-200 triệu đồng/ha, gấp 3-5 lần so với lúa.

Chủ tịch UBND xã Quảng Công, ông Nguyễn Hữu Truyền cho hay, những diện tích lúa bị thiếu nước sau khi chuyển đổi sang trồng dưa, khoai lang, ớt… đem lại thu nhập khá cho người dân. Đây cũng là điều kiện tăng hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao đời sống Nhân dân.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Ngô Văn Dinh thông tin, các địa phương, HTX tổ chức sản xuất, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quá trình sản xuất từng bước giảm sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật kết hợp đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng.

Diện tích lúa chất lượng cao toàn tỉnh được sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, tập trung hiện nay ước đạt trên 18 ngàn ha, chiếm 32% diện tích. Trồng trọt theo hướng hữu cơ, quy trình VietGAP được nhiều địa phương từng bước chú trọng, đến nay đã triển khai với quy mô gần 600ha lúa, rau màu. Một số hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, lúa kém hiệu quả đầu tư thành lập trang trại, nhà lưới sản xuất các loại rau quả, hoa theo hướng công nghệ cao, tạo sản phẩm bảo đảm an toàn... Đến nay, toàn tỉnh ước chuyển đổi khoảng 2.500ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả cao hơn.

Tốc độ tăng trưởng đạt trên 3,4%/năm

Dù đạt một số kết quả đáng ghi nhận nhưng nhìn chung, ngành nông nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Sản phẩm nông nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn có chuyển dịch nhưng còn chậm. Năng suất, chất lư­ợng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm chưa cao, bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển. Phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng còn thấp, chưa có thương hiệu. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được coi trọng, tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng còn lớn.

Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất chưa thật sự hiệu quả. Một số công ty sau khi được sắp xếp, cơ cấu lại vẫn còn hạn chế đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. HTX nông nghiệp và các hình thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX, tổ hợp tác thấp, chưa bảo đảm các nguyên tắc của luật HTX… Tình trạng lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ, chất kích thích sinh trưởng còn phổ biến trong quá trình sản xuất. Các vùng chăn nuôi, nuôi thủy sản tập trung… tạo ra chất thải, dư lượng các chất độc hại trong nông sản thực phẩm, làm tăng khả năng dịch bệnh trên gia súc, thủy sản.

Ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, cần thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chú trọng triển khai chính sách hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Ngành nông nghiệp chú trọng đến việc bổ sung các loại cây trồng, vật nuôi, các nghề mới phù hợp với thực tiễn sản xuất tại các địa phương, gắn với phát triển các vùng nguyên liệu của tỉnh; ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là về giống, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3,4%/năm. Sản lượng lương thực có hạt đạt từ 33-35 vạn tấn/năm, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt từ 10-13 vạn tấn/năm. Sản lượng thủy sản đạt 70 ngàn tấn/năm, trong đó sản lượng khai thác đạt 50 ngàn tấn, nuôi trồng 20 ngàn tấn. Đến cuối năm 2025, thu nhập bình quân hộ gia đình nông thôn tăng 1,5 - 2 lần so với năm 2020…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Return to top