ClockChủ Nhật, 19/06/2022 12:09

Ốc xót

TTH - Khi ấy, Phương vẫn bấm chân vào lớp bùn, khom người men theo bờ đìa chầm chậm di chuyển. Có vẻ cô đã quá quen nên không cần để ý những người vừa ùa xuống bến, đợi thuyền để tham gia tour đầm phá từ Quảng Lợi. Giữa chiều. Nắng rát và chênh chao, nhưng quả thực khi quyết định đặt chân xuống nước và lội về phía Phương, tôi cảm thấy cái nóng có phần dịu đi. Có thể vì hơi ẩm, nhưng cũng có thể vì một chút màu xanh trên doi đất gần đó đã chắn được phần nào sự gay gắt.

Bốc vác nuôi conCòn lại yêu thương

Kiên nhẫn nhặt từng con ốc

“Ốc gạo đó chị!” - Phương nói khi tôi cúi xuống cùng nhặt những con ốc bé xíu, chừng nhỉnh hơn đầu ngón tay út. Chúng bám khá chặt trên tấm lưới cũ mà người ta bỏ lại, hoặc trên những cọng cây lỏng chỏng cố vươn lên mặt nước. Ờ ốc gạo - loại ốc mà cho đến chừng này tuổi, chúng vẫn làm tôi thòm thèm khi thấy người ta bày bán phía ngoài chợ Đông Ba. Đó là lúc những con ốc xám rêu hay óng ánh xà cừ quyện trong mùi đậm đà của các loại gia vị, và đương nhiên là cả màu đỏ rực của ớt và sả tươi đập dập vừa chín. Những con ốc gạo nhỏ xíu vậy, nhưng khi đặt lên đầu lưỡi, ta sẽ cảm nhận được vị béo khẽ khàng loang ra và đánh thức mọi vị giác…

Mùa ốc gạo béo và nhiều nhất phải vào quãng tháng 2, tháng 4. Phương nói khi ấy, con nước không lớn như bây giờ và người đi nhặt ốc gạo sẽ kiếm được khá hơn. Tôi đưa mấy con ốc mình nhặt được đặt vào bàn tay mềm sũng nước của Phương. Cũng chẳng nhiều nhặn gì nên tôi đã tự hỏi, người phụ nữ này đã xuống phá nhặt ốc từ bao lâu để được lưng lửng chiếc thùng nhựa nhỏ đựng sơn được tận dụng lại?

“Em đi từ 2h chiều. Mà cũng không cứ đâu, khi nào xong việc nhà là mấy chị em trong xóm lại ới nhau cùng đi. Phần ốc trong chiếc thùng đó, là của hai người lận. Cuối chiều tụi em sẽ gom lại rồi bán cho người ta. Bán dễ lắm chị, bao nhiêu người ta cũng lấy hết. Mà ốc thì có chừng, người kiếm ốc giờ cũng vất vả hơn”.

Trong chiếc thùng của Phương lúc đó, áng chừng được hơn 1 kg. Nếu cứ tính theo cách mà cô kể thì mỗi chiều, hai chị em sẽ kiếm được chừng 3-4 kg gì đó. Bán đi, với giá khoảng gần 100.000 đồng/kg, mỗi chiều Phương và hàng xóm của mình sẽ kiếm được chừng 140.000-150.000 đồng cho khoảng 4 tiếng đồng hồ khom lưng bên bờ phá Tam Giang. Chồng Phương đi phụ hồ, lo những khoản chính trong gia đình và việc học của con. Khoản tiền mà Phương kiếm được - như trong chiều nay - là để lo cho bữa cơm hàng ngày của gia đình, bao gồm vợ chồng cô, hai đứa con đang bắt đầu lớn và cả thuốc thang cho ông nội đã nằm liệt giường 10 năm nay…

Giá một lon ốc gạo mà tôi mua để cắt cơn thèm là 70.000 đồng. Lon ốc mà ớt có khi đã chiếm đến 3/10. Cũng là điều có thể hiểu vì còn bao nhiêu công đoạn và gia vị nữa để ốc gạo đậm đà thơm vị.

Tôi mường tượng cách Phương treo chiếc thùng nhựa nhỏ ấy vào ghi đông xe đạp, tự hỏi không biết trên đoạn đường về tới Quảng Thành, cô đã nghĩ những gì, có lẩn mẩn chuyện mua được thêm gì cho bữa cơm tối? Có thể dành ra một chút để mua cho ông nội của lũ nhỏ cái trứng vịt lộn, thêm vài viên giảm đau…?

Có thể Phương sẽ không nghĩ gì cả đâu vì đó là công việc hàng ngày của cô. Nhưng cái câu “có ốc bán là mừng rồi chị ơi. Chỉ cầu trời cái lưng sẽ không ê ẩm lâu và lũ ốc sẽ sinh con đẻ cái nhiều hơn. Mấy nay ốc ít hơn trước nhiều lắm…” làm tôi nghe phía trái ngực mình nhói lên khi lời Phương rươm rướm. Ốc gạo từ lúc ấy với tôi đã thành ốc xót rồi...

KHANG NHIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top