ClockThứ Tư, 02/03/2022 07:31

Phân bổ nguồn lực phù hợp, sớm phục hồi kinh tế - xã hội

TTH - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định như vậy khi trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế về kế hoạch triển khai Nghị quyết (NQ) số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và NQ số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùmPhục hồi kinh tế không chỉ bằng chính sách tài chínhDoanh nghiệp tăng tốc sản xuất ngay sau Tết, đón đầu cơ hội mới

UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH hằng năm và 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh. Nhờ sự chỉ đạo, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, việc phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện hiệu quả, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển KT-XH trước mắt và lâu dài.

Để đạt được những kết quả đó, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ông có thể cho biết những kết quả bước đầu?

Thực hiện NQ của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho 5 doanh nghiệp vay trả lương cho 508 lượt lao động, số tiền là 1,656 tỷ đồng.

Ngoài ra, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh triển khai là một giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Nổi bật là năm 2021, Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách với 88.450 khách hàng còn dư nợ, tổng dư nợ thực hiện là 3.234 tỷ đồng. Đồng thời, thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội, ngân hàng này đã giúp cho trên 17.300 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo được vay trên 785 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,93%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,92%; tạo điều kiện cho 3.175 lao động được vay vốn tạo việc làm trong và ngoài nước, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm của người lao động…

Việc triển khai thực hiện NQ số 11 của Chính Phủ và NQ số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của tỉnh được triển khai như thế nào?

Thực hiện NQ số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai NQ số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Do chưa có dịch vụ container nên các tàu khi vào Cảng Chân Mây bốc hàng rồi lại quay ra, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Đức Quang

Trước hết, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng; tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn và xây dựng kế hoạch thực hiện trong thời gian tới ngay sau khi có Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ chế, chính sách đối với các chương trình tín dụng chính sách.

Theo đó, nguồn lực được ưu tiên cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn vay mua sắm máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến trong giai đoạn dịch COVID-19; cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo các NQ của Quốc hội; cho vay ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch.

Về 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo kế hoạch của NQ số 11, tỉnh sẽ dành nguồn lực và có những ưu tiên nào, lĩnh vực nào, thưa ông?

Tỉnh chỉ đạo rà soát nhu cầu vay vốn và xây dựng kế hoạch vốn giải ngân năm 2022 đối với các chương trình tín dụng về nhà ở xã hội; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo các Nghị định của Chính phủ thông qua Ngân hàng CSXH tỉnh.

Theo đó, thực hiện Chương trình tín dụng về nhà ở xã hội theo Nghị định số 100 của Chính phủ, dự kiến sẽ cho vay 100 tỷ đồng để mua, thuê nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa 200 nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, có trên 82.000 người dân Thừa Thiên Huế từ các tỉnh, thành khác trở về. Theo khảo sát của ngành lao động, hiện nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, toàn tỉnh có 17.625 lao động có nhu cầu vay vốn, với số tiền 864 tỷ đồng. Trong đó, lao động cần tạo việc làm mới, duy trì, mở rộng việc làm hàng năm là 8.507 lao động, cần vay số tiền là 415,8 tỷ đồng; lao động trên địa bàn bị mất việc do COVID-19 là 5.694 lao động, cần vay số tiền là 281,4 tỷ đồng; lao động từ các nơi khác trở về địa phương do COVID-19, có ý định ở lại địa phương lâu dài là 3.424 lao động, cần vay số tiền là 166,8 tỷ đồng.

Theo kế hoạch của tỉnh, năm 2022 phấn đấu giải quyết việc làm cho trên 16.300 lao động, phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 2,3%.

Để thực hiện tốt nhất NQ số 11 của Chính phủ, tỉnh có kế hoạch cụ thể gì, những khó khăn, tồn tại nào cần trợ giúp từ Chính phủ và các bộ, ngành?

Tỉnh chỉ đạo Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với các ban, ngành, địa phương tập trung tổ chức, triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi góp phần phục hồi và phát triển KT-XH đến các cấp, các ngành, cộng đồng DN, hội viên, người lao động và Nhân dân biết, tổ chức thực hiện và giám sát.

Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành sớm cân đối, tăng nguồn vốn từ ngân sách địa phương thông qua Ngân hàng CSXH tỉnh để các địa phương thực hiện. Các báo, đài tăng cường tuyên truyền tín dụng chính sách xã hội để Nhân dân tiếp cận và nắm rõ hơn quyền lợi của mình.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1.000 nữ nông dân

Ngày 21/3, Ban điều hành Dự án phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã khó khăn đã tổ chức tập huấn cho 170 người ở xã Phú Diên, Phú Vang. Hoạt động có sự tham gia, giám sát của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cán bộ dự án Oxfam, giảng viên trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.

Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1 000 nữ nông dân
Return to top