ClockChủ Nhật, 28/11/2021 13:29

Phía bên kia là trời xanh

Khi Yên trở về phòng trọ, thành phố đã ngủ từ lâu. Căn gác trọ nơi Yên tá túc nằm sâu trong con hẻm nhỏ bên trong Thành nội. Buổi chiều có mưa nên mặt đường loang lổ nước đọng. Ánh sáng nhợt nhạt từ ngọn đèn đường hắt lên đôi mắt sáng rực của mấy con chuột đang chạy qua chạy lại trong con hẻm mờ mờ ánh sáng. Chúng chẳng sợ người, nên có lúc va cả vào chân Yên. Chỉ mới đi xa mấy ngày mà cầu thang dẫn lên dãy trọ ngập đầy rác. Có lá cây theo gió bay vào. Có bụi đất. Và cả vỏ kẹo, tàn thuốc ai đó vô ý bỏ lại. Hoặc có thể chúng cũng theo cơn gió, dạt về nơi đây. Dãy nhà trọ có cả chục người ở. Cầu thang đi chung. Mỗi ngày ai cũng xuống lên mấy bận, nhưng chẳng ai quét, trừ Yên. Phòng Yên sát cạnh cầu thang. Nhiều lúc bực, Yên cũng muốn ngó lơ. Nhưng rồi chịu không nổi sự nhếch nhác, Yên lại đem chổi ra quét.

Tiếng mở khóa cửa lách cách của Yên khiến Hằng ló đầu ra nhìn. “Đi công tác về hả? Mệt không? Mấy cây hồng vắng em, nó cứ ủ rủ suốt. Sáng nào chị cũng tưới nước mà không tươi lên được. Cả con mèo Mun nữa. Đêm nào nó cũng xuống ngồi nơi cổng đợi em về”. Hằng vừa dứt lời, con Mun đã chui ra khỏi cánh cửa phòng Hằng, chạy đến dụi đầu vào chân Yên. Tiếng “meo”, “meo” mềm nhũn khiến tim Yên muốn tan ra. Công việc của Yên phải đi công tác suốt. Con Mun cũng đã quen chạy sang mấy phòng bên cạnh ăn ké khi Yên vắng nhà. Yên ôm con Mun vào lòng, nghiêng đầu ngó mấy chậu hồng đặt nơi hành lang. Cả tuần trôi qua, mà dường như cây hồng chẳng nảy thêm chồi mới. Đám lá hồng chi chít vết sâu ăn. Nụ hoa vừa mới he hé đã bị con sâu nào đó cắn khuyết mất một góc.

Chiếc bàn bằng gỗ có lớp sơn màu vàng sậm đặt cạnh gốc hồng. Trong ánh sáng nhàn nhạt của ngọn đèn đường hắt vào, vẫn thấy được lớp bụi mờ mờ. Những lúc không phải đi công tác, chiếc bàn gỗ kê ở hành lang là nơi Yên vẫn ngồi uống cà phê mỗi sáng. Khoảng sân nhà bên cạnh có cây xoài rất to. Ở đó chim sẻ về rất đông. Yên thích ngồi nhâm nhi tách cà phê thơm lừng, nghe tiếng lũ chim kêu líu ríu bên tai. Phía xa xa trên kia là bầu trời xanh ngắt. Gió sớm mang theo hương sử quân tử ngoài cổng thổi vào thơm lừng, xóa đi cái ngột ngạt ẩm thấp của khu trọ. Mỗi lần nhìn mây bay ngang bầu trời xanh ngắt, Yên hay nghĩ về quê nhà. Nếu giờ này ở quê, Yên đã theo mẹ ra đồng nhổ cỏ huệ. Năm nay thoát lụt, những ruộng hoa huệ chắc xanh mát mắt, không biết có ra hoa kịp tết. Không khí đồng quê lúc nào cũng thơm ngát mùi cây cỏ, đất đai. Bầu trời nơi đó cũng rộng lớn vô cùng.

Không giống ở đây, Yên chỉ nhìn được trời qua khoảng trống bé bé giữa hai mái nhà. Đứa con gái của Hằng thường ngồi bên cạnh Yên mỗi sáng. Hai cô cháu say mê nhìn đám sẻ nâu và những đám mây lướt ngang trời. Bé Mi sẽ luyên thuyên kể cho Yên nghe những chuyện khi con bé còn ở quê. “Con hay theo cậu đi bắt tổ chim. Trứng chim nướng lên thơm lừng, ăn cực kỳ ngon. Mà bà ngoại không cho cậu lấy hết trứng trong ổ. Ngoại nói để dành lại trứng mới nở thành chim. Cô có khi nào đi bắt dế không? Đi đào dế ngoài đồng vui lắm cô. Hôm trước con nghe tiếng dế kêu ở ngoài hành lang này, mà tìm không thấy. Ở đây, không có đất mà cũng có dế ha cô”. Hai mắt bé Mi tròn xoe nhìn dãy hành lang. Cái miệng nhỏ xíu chu lại, vẻ mất hứng. Ngôi nhà này xây đã lâu, nền xi măng cũ xì. Hồi mới dọn về, Yên đã cố cọ rửa thật lâu nhưng sự cũ kỹ của thời gian như phủ lên từng viên gạch men đang dần phai màu, không cách gì cọ sạch. “Phải chi giờ ở quê, là có thể thấy mặt trời hắt vào hiên nhà rồi. Cái võng tre đặt ở mé hiên. Gió sông theo nắng thổi vào, mát rượi. Mùi nước trong gió, ngọt lắm cô”. Bé Mi nhìn khoảng trời xanh lam ngoài kia, nói giọng tiếc nuối.

Một năm trước, Hằng dẫn theo bé Mi đến đây, làm hàng xóm với Yên. Hằng lấy chồng ở Sài Gòn. Nhà chồng có mặt tiền nhà rộng, nên Hằng mở quán cà phê. Chồng Hằng là công chức. Cuộc sống yên ổn cho đến khi chồng Hằng sa vào con đường cờ bạc, rồi nghiện ma túy. Suốt mấy năm trời, Hằng sống cảnh lấy nước mắt rửa mặt. Chồng Hằng cứ đi cai nghiện về lại tái nghiện. Mẹ chồng suốt ngày đay nghiến con dâu. Chủ nợ suốt ngày tìm đến tận cửa. Chịu hết nổi, Hằng dẫn theo con gái bỏ về quê. Ở quê, Hằng kiếm không ra việc. Đi làm rừng, làm rẫy, Hằng không có sức. Vậy là hai mẹ con dắt díu nhau xuống phố. Hằng xin làm cấp dưỡng tại một trường mầm non. Lương không cao, nhưng có thời gian để đưa đón con đi học.

Ở cuối hành lang là phòng trọ bà Diêu. Bà Diêu vừa về đây sống. Cách đây mấy con phố, là nhà vợ chồng đứa con gái của bà. Bà Diêu sống ở quê một mình. Đứa con gái lấy chồng trên phố. Tuổi già kéo đến, khiến bà Diêu thường xuyên bị bệnh. Không yên lòng để mẹ sống một mình ở quê, con gái bà cứ kì kèo mẹ dọn nhà lên phố sống. Ở phố tiện nghi, gần bệnh viện, cũng tiện thuốc thang. Bà Diêu không muốn bỏ quê. Nhưng thấy con gái vất vả chạy lên chạy về với mẹ, bà Diêu đành gật đầu. Mảnh vườn ở quê bà bán đi, chia cho vợ chồng con gái một phần, để xây lại cái nhà ở phố cho rộng rãi. Một phần bà giữ lại, gửi ngân hàng lấy tiền lời hàng tháng. Công việc làm ăn của con rể bà Diêu ngày càng tụt dốc. Hùng muốn mượn sổ tiết kiệm của mẹ vợ, nhưng con gái bà dứt khoát không chịu. Không khí gia đình ngày nào cũng căng như dây đàn. “Con gái mệ bảo, cuốn sổ kia mệ phải giữ để hộ thân hộ thổ. Việc làm ăn, tụi nó tự xoay sở. Con gái mệ không muốn mệ chịu đựng sắc mặt của chồng nó, nên đưa mệ đến ở đây. Nó cũng muốn dọn đến đây sống cùng mệ, mà mệ không chịu”. Bà Diêu kể với Yên trong một lần ngồi nơi chiếc ghế gỗ đã óng màu nước đặt ngay góc hành lang. Hai bà cháu cùng ngắm khoảng trời xanh nhỏ xíu lọt thỏm giữa hai mái nhà. Người đàn bà đã đi qua bao dâu bể cuộc đời, giờ đọng lại trên đôi mắt mờ đục là nét buồn vời vợi xa xăm.

Những ngày cuối tuần rảnh rỗi, Yên thường hay sang phòng bà Diêu ăn cơm ké. Cả bé Mi cũng lẽo đẽo theo chân Yên phụ nhặt rau, bóc hành. Hằng bận rộn với những ca dọn nhà thuê để tăng thu nhập. Bà Diêu nấu ăn cực ngon, hương vị y đúc mẹ Yên vẫn nấu ở quê nhà. Những sáng bà Diêu đi bộ ngang qua hồ nơi Hoàng thành. Mặt hồ ken kín lục bình đang nở hoa tím rịm. Trưa, thế nào mâm cơm cũng có món hoa lục bình chấm mắm kho quẹt. Con đường chạy dọc sông Hương me đất mọc đầy. Me đất nở hoa tím rịm. Bà Diêu hay nhổ về nấu canh cá lúi. Cá lúi sông bụng căng mẩy đầy những trứng. Canh cá ăn ghém với ít rau sống thì ngon vô cùng. Mấy gốc sung bên công viên Thương Bạc, trái chi chít quanh năm. Bà Diêu hay làm món sung muối. Cái vị chua cay mặn ngọt, giòn tan trong miệng của miếng sung ngâm thường khiến Yên nhớ về cây sung trước nhà mình. Mùa cây cho trái, cả xóm đều ghé đến hái về chế biến món ăn. Sung muối xổi, sung kho cá đủ cả. Bà Diêu đi bộ ngày hai lượt sáng chiều. Bà nói con đường đi bộ dọc sông Hương có nhiều rau dại ăn được. Đám rau riều rau éo, rau tàu bay mọc xen với cỏ dại bên mé bờ sông. Dây bình bát cũng bò dọc mé sông xanh rờn. Mỗi lần ngắt được đám rau dại, bà vui hớn hở. Tựa như những ngày tháng đang ở quê nhà.

Yên bệnh suốt hai tuần liền. Những cơn cảm, sốt kéo dài đã vắt kiệt sức Yên. Bác sĩ nói Yên bị suy nhược cơ thể vì làm việc quá sức. Từ bệnh viện trở về, Yên mới biết, căn nhà kế bên đang xây dựng. Bức tường bê tông đã che khuất khoảng trời xanh ngắt mỗi sáng Yên vẫn ngắm nhìn khi nhấm nháp vị cà phê thơm lừng. Yên không còn ra hiên ngồi uống cà phê mỗi sáng sớm. Nơi đó chẳng còn khoảng trời xanh để mơ mộng. Bức tường bê tông xám xịt chỉ khiến tâm trạng người nhìn thêm bức bối, khó thở. Sau trận ốm, Yên ít nói hẳn. Yên cảm thấy chán nản với công việc phải liên tục di chuyển khắp các tỉnh, thành theo dự án. Những hôm không đi công tác, Yên phải ngồi trong phòng làm việc suốt 8 giờ liền để hoàn tất các giấy tờ, kế hoạch. Yên thấy mình như bị bào mòn cả thể xác lẫn tinh thần qua từng ngày.

Hoàng nói, “Bệnh của mày là tâm bệnh. Chỉ cần về với núi đồi, cây cỏ là khỏe lại ngay. Làm việc mãi cũng cần phải nghỉ ngơi. Cả thể xác và tâm hồn đều cần tái tạo nguồn năng lượng mới”. Vậy là Yên xin nghỉ phép rồi theo chân Hoàng lên Tây Bắc. Hôm Yên ngồi trong phòng trọ chật chội gấp mấy bộ áo quần chuẩn bị cho chuyến đi xa, bà Diêu cũng loay hoay dọn nhà. “Ở quê có người bán rẻ đám đất. Bà về dựng căn nhà nhỏ với khoảng vườn be bé. Bà lại trồng rau, thả xuống mấy bụi hoa, nuôi thêm mấy con gà. Bà sẽ nuôi một con mèo bầu bạn. Chắc sẽ dễ thương như con Miu. Bà già rồi, ở phố không quen. Nơi đây chỉ thuộc về lớp trẻ như tụi cháu”. Yên thấy ánh mắt bà lấp lánh. Nụ cười cũng tươi rói. Yên ngước mắt nhìn qua khung cửa sổ. Khung cửa sắt màu xanh được Yên sơn lại từ năm trước. Bên ngoài khung cửa là mảng tường bê tông xám xịt. Nhưng Yên biết, đằng sau bức tường lạnh lẽo kia, là bầu trời xanh ngắt.

LINH CHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top