ClockThứ Ba, 27/09/2022 14:00

Quanh quẩn ở nhà và nỗi buồn con trẻ

TTH - Con số 31% trẻ mầm non được huy động ra lớp cho thấy, vẫn còn những khó khăn của bậc học này; trong khi, đi học đúng độ tuổi các em sẽ được phát triển về thể chất lẫn tinh thần.

Trẻ con… không cần an toàn?Giúp trẻ phát triển toàn diện hơn30 năm gắn bó với tiếng cười trẻ thơ

Dạy trẻ cắm hoa ở Trường mầm non Hoa Thủy Tiên

Ngót nghét hơn 3 năm, song chị Trần Thị H. (Vinh Thanh, Phú Vang) vẫn không nguôi ngoai nỗi đau mất con. Trong suy nghĩ của người mẹ nghèo, 6 tuổi mới cho con vào lớp 1, còn ở độ tuổi mầm non thì cứ quanh quẩn ở nhà, mẹ đi làm thì ở nhà chơi với ông bà. Thế nên, khi thấy con ngủ say, chị tranh thủ ra đồng, đến trưa về không thấy con đâu, hốt hoảng đi tìm mới phát hiện bé bị đuối nước ngay cái ao trước mặt nhà. Mỗi lần nhớ con, chị lại than trách, biết vậy không để con ở nhà một mình, cho con đi học cùng bạn bè thì đâu đến nỗi...

Tình trạng trẻ bị đuối nước, tai nạn thương tích xảy ra hằng năm, trong đó có lý do trẻ ở nhà một mình hoặc phụ huynh trông trẻ bất cẩn, là có thật. Chưa kể, trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi hoặc một số cháu béo phì mà nguyên nhân là ăn thừa chất dinh dưỡng lại lười vận động. Vẫn biết vậy, song tỷ lệ phụ huynh đưa con ra lớp nhà trẻ còn thấp. Nếu năm 2019, toàn tỉnh có trên 28% trẻ ra lớp học mầm non thì 3 năm sau tăng lên 31%, vẫn là con số khiêm tốn. Tỷ lệ trẻ học mẫu giáo có khá hơn, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức 84,4% so với dân số trong độ tuổi. Nguyên nhân “muôn hình vạn trạng” và thực trạng này tập trung ở các vùng nông thôn, miền núi.

Tôi vẫn nhớ câu chuyện của cô giáo Thắm ở A Lưới kể rằng, mỗi lần đến nhà vận động phụ huynh cho con em ra lớp, cô lại chạnh lòng. Người lớn cứ mải lo làm việc nhà, đồng áng để mặc những đứa trẻ tầm 1 đến 2 tuổi lủi thủi chơi một mình ở góc nhà, không có đồ chơi, không được chăm sóc hợp lý, lại không an toàn. Thế nên, không ít trẻ lên ba ở vùng đất này phát âm rất chậm, không hoạt bát, có trẻ có biểu hiện tính tự kỷ. Và năm nào cũng vậy, những người như cô giáo Thắm lại kiên trì đến nhà thuyết phục, vận động đưa các em ra lớp...

Thói quen của người dân không muốn con đi học khi có người lớn ở nhà đã đành, nhưng không có khả năng cho con đi học là điều có thật. Lời kể của cô hiệu trưởng ở Trường mầm non Hương Thọ (TP. Huế) làm tôi nhớ mãi. Phụ huynh ở địa phương là những lao động nghèo, nhất là sau những  trận dịch COVID-19 một tháng phải đóng vài trăm ngàn đồng cho con ở lại bán trú là điều rất khó. Thế nên, theo chỉ tiêu nhà trường sẽ đưa 300 trẻ ở độ tuổi mầm non ra lớp; tuy nhiên, chỉ có 160 trẻ được đăng ký đi học. Nhiều người đóng tiền ăn cho con từng ngày, thậm chí nhà trường phải cho phụ huynh “nợ’’ khi nào nhận tiền công mới đem đến trả. Nếu trường không nhận, họ lại đem con theo cùng, chúng lại vất vả, vật lộn mưu sinh cùng bố mẹ.

Những gia đình có điều kiện hơn, phụ huynh lại không muốn gửi con đến nhà trẻ sớm. Họ lo ngại con sẽ không được chăm tốt khi lớp học đông. Nhiều trẻ chưa thích nghi với môi trường mới nên thường xuyên đau ốm, ăn uống khó khăn, phải nghỉ học giữa chừng. Chưa kể, nhiều lớp học còn nhếch nhác khiến phụ huynh chưa yên tâm khi cho con đi trẻ.

Kinh nghiệm của nhiều giáo viên cho thấy, muốn trẻ đến lớp nhà trường phải tạo sự an tâm cho phụ huynh và ngược lại, phụ huynh phải hiểu rõ tầm quan trọng trong việc cho trẻ đến lớp đúng độ tuổi thì công tác huy động trẻ đến lớp mới đạt hiệu quả. Mỗi giáo viên được nhà trường phân công theo dõi các thôn, kết hợp với cán bộ thôn đến tận nhà học sinh để vận động phụ huynh đưa con trong độ tuổi đến trường.

Theo nhiều hiệu trưởng trường mầm non, cơ sở vật chất trường, lớp phải được đầu tư, sửa chữa nâng cấp theo hướng kiên cố và đảm bảo đủ số phòng học/lớp. Công trình vệ sinh, nước sạch và bếp ăn đảm bảo đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ, có phòng chức năng nghệ thuật, máy vi tính... Thực tế, nhu cầu này của các trường đã được đáp ứng khi có 1.814/2.411 nhóm lớp có đủ bộ thiết bị đồ dùng, đồ chơi (tỷ lệ 75,1%), riêng lớp mẫu giáo 5 tuổi có 612/612 lớp (tỷ lệ 100%).

Ngành giáo dục và đào tạo không ngần ngại khi chỉ ra thực tế, nguyên nhân khiến phụ huynh chưa thực sự yên tâm "chọn mặt, gửi vàng". Đó là điều kiện cơ sở vật chất phòng học, đội ngũ giáo viên ở nhiều trường còn thiếu thốn, chưa đủ đáp ứng nếu tỷ lệ huy động đạt 100%. Toàn tỉnh có 2.411 phòng học đảm bảo 1 phòng học/1 lớp, trong đó phòng học kiên cố 1.895 phòng, tỷ lệ 78,6%; phòng học bán kiên cố 488 phòng, tỷ lệ 20,2%; phòng học tạm 20 phòng, chiếm tỷ lệ 0,8%.

Các trường vẫn mong xã hội hóa công tác giáo dục để có nhiều trường mầm non khang trang hơn, đảm bảo chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ tốt hơn. Tôi đọc được niềm mong mỏi ấy từ phía nhà trường và cả phụ huynh nữa sau chuyến đi thực tế ở các huyện miền núi...

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

Để tăng cơ hội cho trẻ em ở vùng khó khăn được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện.

Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn
Giáo dục văn hóa địa phương trong các cơ sở mầm non

Việc đưa giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non sẽ giúp trẻ có cơ hội khám phá nét đẹp văn hóa vùng miền một cách giản đơn, bồi dưỡng cảm xúc, tình cảm, thẩm mỹ phù hợp với độ tuổi; hình thành những phẩm chất, năng lực, kỹ năng, sự hiểu biết cũng như tình yêu đối với môi trường xung quanh nơi trẻ sinh sống.

Giáo dục văn hóa địa phương trong các cơ sở mầm non

TIN MỚI

Return to top