ClockThứ Bảy, 28/04/2018 20:35

Sản phẩm làng nghề truyền thống Phú Vang níu chân khách

TTH.VN - Các sản phẩm làng nghề truyền thống từ nước mắm, ruốc, cá khô, các loại mắm, rượu làng Chuồn, nón lá Mỹ Lam… có mặt trên kệ 30 gian hàng trưng bày tại “Ngày hội thương mại và làng nghề truyền thống huyện Phú Vang” khai mạc ngày 28/4 tại bãi biển Thuận An, hấp dẫn, “níu chân” du khách…

Thưởng thức văn hóa Philippines với đoàn nghệ thuật Kaloob650 học sinh tham sự Liên hoan “Sắc màu tuổi thơ”Mãn nhãn với lễ hội đường phốHấp dẫn thi đấu cờ người

Dừng chân trước gian hàng sản phẩm đặc sản truyền thống xã Phú Diên, chị Nguyễn Thị Hoa (phường Trường An) và nhóm bạn đi cùng xuýt xoa trước những chai nước ớt, tương ớt, những bì cá khô các loại như cá trích, cơm, nục, mối... Các chị cho biết, đã lâu nghe tiếng các sản phẩm sản xuất tại thôn Diên Lộc xã Phú Diên đảm bảo “thương hiệu” tươi ngon, an toàn. Thỉnh thoảng có người quen về Phú Diên, mới gửi mua được. Vậy nên hôm nay, các chị phải “tranh thủ”, mang về dùng dần và tặng người thân.

Trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống

Một đôi vợ chồng du khách lớn tuổi từ TP Đà Nẵng chọn tôm chua, nước mắm do cơ sở hàng thủy sản bà Sen chế biến, là đặc sản làng Trài, xã Phú Hải.  Ông, bà chia sẻ, đợt này ra Huế “chơi festival”. Nghe người quen ở Huế giới thiệu chương trình “Thuận An biển gọi” hấp dẫn nên ông, bà tìm về. Quả thật, những sản phẩm làng nghề truyền thống trưng bày nơi đây đối với ông, bà rất hấp dẫn. “Chúng tôi vốn “nghiện” tôm chua, nước mắm Huế. Nay được tận mắt nhìn thấy chứng nhận của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chứng nhận tôm chua bà Sen đạt giải nhì, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiên tiến…, chúng tôi càng yên tâm nước mắm, tôm chua này là ngon và sạch. Đây sẽ là món quà dân dã mà đậm đà hương vị xứ Huế, chúng tôi mang theo về”- nam du khách chia sẻ.

Quầy ẩm thực của Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Thuận An cũng “níu chân” rất nhiều du khách. Các món bánh Huế rất đắt hàng. Mấy dãy ghế đều kín chỗ. Thế nhưng, đặc biệt hơn cả có lẽ là món kem tươi Minh Cảnh cùng… người đàn ông “chủ hàng”. Bởi ông sẵn sàng tặng kem miễn phí cho những khách hàng “nhí” từ miền Nam ra. Trước những đôi mắt háo hức, ông tỉ mỉ giới thiệu chất liệu làm ra vỏ kem, làm kem. “Làm từ nước cốt dừa nguyên chất, bột bình tinh. Cháu ăn xem. Khi nào nhớ hương vị đặc biệt của kem tươi Minh Cảnh, cháu nhớ là đã đến Huế, đến bãi biển Thuận An nhé”. Cậu bé say sưa thưởng thức kem. Ba mẹ cậu cười thật tươi kèm câu nhận xét: “Người Huế dễ thương thiệt, cách quảng bá hình ảnh quê hương cũng dễ thương. Chúng tôi sẽ nhớ…”

Du khách hào hứng tìm hiểu các sản phẩm làng nghề

Ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết: "Phú Vang có rất nhiều làng nghề và ngành nghề truyền thống từ lâu đời. Nhiều nghề đã tạo được thương hiệu riêng như làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian làng Sình, nấm Phú Lương, nước mắm Phú Thuận, chế biến hải sản Thuận An, mộc mỹ nghệ Vinh An, Vinh Thanh…

Qua 4 lần tổ chức, “Ngày hội thương mại và làng nghề truyền thống huyện Phú Vang” đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất truyền thống trên địa bàn giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thị trường, tiêu thụ các sản phẩm đặc sản truyền thống của huyện. Đây cũng là nơi giao lưu văn hóa, kinh tế thương mại tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, kích cầu sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cầu nối giữa cơ sở sản xuất với người tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp nhằm bảo tồn phát triển các ngành nghề truyền thống trên địa bàn huyện Phú Vang nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Ngày hội thương mại và làng nghề thu hút hàng ngàn du khách

“Ngày hội thương mại và làng nghề truyền thống huyện Phú Vang năm nay là một trong những nội dung của “festival Thuận An biển gọi năm 2018” thu hút trên 25 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề trên địa bàn huyện và các huyện bạn đến tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, với các mặt hàng truyền thống. Với tiềm năng thế mạnh vốn có của làng nghề, ngành nghề truyền thống, các sản phẩm làng nghề cùng với lòng mến khách của nhân dân huyện nhà, du khách sẽ mang theo lại ấn tượng tốt đẹp...”, ông Long nói.

Bài, ảnh: Anh-Đức

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”

Ngày 14/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp chính quyền xã Hải Dương (TP. Huế) và mạnh thường quân tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em” với số lượng 600 con gà giống đến 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có con em trong độ tuổi đến trường.

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”
Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

Là địa phương có khá nhiều nghề, nghề truyền thống (NTT) và làng nghề truyền thống (LNTT) nên để khôi phục, bảo tồn và phát triển, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống
Return to top