ClockThứ Năm, 01/12/2022 09:44

Sớm mai một ấm trà thơm

Giọt nắng mùa đôngNhững sớm mai xôn xao

Mỗi người có một cách chào đón ngày mới đặc biệt và riêng biệt. Tôi lạc quan tin rằng, ngày mới giống như tờ giấy trắng, việc của mỗi chúng ta là vẽ bức tranh sao cho thật đẹp. Có người sáng ra chỉ cần một ly cà phê sữa đá là trí não đầy ý tưởng; người khác lại vận động thể thao, sau đó tắm dưới làn nước mát; người thì nghe một bản nhạc rộn rã... Còn tôi, thường đón ngày mới nhẹ nhàng bằng cách lắng nghe “giai điệu” tiếng nước réo sôi, tiếng chảy "róoc réc" khi nước được đổ vào ấm trà, hương trà thơm bay lên dịu dàng đánh thức tất cả các giác quan.

Những thanh âm bình dị bắt đầu ngày mới của tôi, được chăm chút bởi đôi bàn tay khô nhăn của nội. Mùi thơm thảo mộc từ những bông cúc chi ấp ôm sương đêm và nắng mai đã phơi khô vừa thật thanh cao, lại vừa gần gũi, ngọt ngào. Uống trà cúc chi mỗi sáng có pha thêm vài thìa mật ong, thức uống bao năm quen thuộc như một phương thuốc cho nội sự minh mẫn, hoạt ngôn vui vẻ dù đã ở tuổi xưa nay hiếm. Chẳng biết từ lúc nào, bên ấm trà thơm hương mỗi sáng của nội, cả nhà tôi ngầm mặc định đó thời điểm để dành cho nhau những hỏi han, quan tâm, chiều chuộng. Bởi lẽ cả ngày dài ai cũng bận bịu việc công, cơm trưa gói mang theo, nhiều khi hết giờ làm mà công việc còn bừa bộn không thể về kịp bữa tối. Thế nên, phút giây được nhìn nhau trò chuyện, sẻ chia ít ỏi chính là mỗi sáng, nơi góc hiên căn buồng của nội. Nhiều khi chậm rãi nhấm nháp từng ngụm trà thơm ngọt, tôi tự hỏi, phải chăng vì trọng trách là “cây cao bóng cả”, nên nội gắn mình với những sớm mai tất bật trà nước, để cho cháu con một nơi chốn yên vui mà thu gạn nguồn năng lượng sống, mà gánh gồng những vất vả mưu sinh thường nhật?

Vạt cúc chi trồng ven chân tường hoa dọc lối cổng dẫn vào nhà, lúc nào cũng phảng phất thơm hương. Những bông cúc nhỏ xinh vừa nở hé như đồng xu với nhiều tầng cánh, được nội tưới tắm sạch sẽ, đợi khô ráo thì mới hái đem phơi. Nội bảo, phơi cúc chi mà được tiết khí heo may thì thích nhất. Bởi thời điểm ấy có cái nắng vàng ươm dịu mát, cái gió hanh se ngọt, bông cúc được hong khô sẽ cho ra thứ hương thật sâu, thật dày.

Ấm trà cúc chi của nội thoảng thơm trong không gian suốt cả ngày. Mùi hương như mang hơi ấm, khiến thân thể và trí não tôi như được thư giãn sau ngày bận rộn. Hôm nào nội có công chuyện phải đi xa, đi sớm, ấm trà để nguội chẳng kịp pha, tôi chợt thấy lòng hoang hoải đến lạ. Cuối ngày khi trở về nhà, tôi mong ngóng mùi trà thơm quen thuộc, mong thấy nội ngồi đó, trước hiên nhà chờ đón. Cũng có lúc tôi tự tay pha trà. Chỉ đơn giản là thả vào cốc dăm bông cúc đã khô, chế nước sôi và đậy lại ít phút. Thích nhất cái khoảnh khắc mở nắp đậy, thả lỏng thân thể cho hương thơm tỏa lan vào thẳm sâu tâm tưởng. Nhìn bông cúc ngậm nước bung nở, màu vàng lợt phai, chợt thấy những khó khăn thách thức trong đời bỗng trở nên giản đơn hơn. Nghĩ rằng khi ta sống trọn từng khoảnh khắc và nỗ lực hết mình, thì bằng cách nào đó, cũng sẽ được đền đáp xứng đáng. Như bông cúc này đây, để cho ra hương vị khiến người ta say mê, nó cũng đã bao ngày vươn lên trong sương gió, trút cạn những tinh túy của đất trời tích lũy tháng ngày trong nước nóng.

Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa xoay chuyển. Những ấm trà hoa mỗi sớm mai tỏa thơm nơi chốn thân quen như một sự dưỡng nuôi bao ấm áp, yên lành. Bên làn hương dịu ngọt, nội nói với con cháu về cái ngày sẽ phải rời cõi tạm bằng tâm thế vô cùng nhẹ nhõm. Chúng tôi lặng lẽ ngồi nghe nội kể chuyện xưa, cái thời rau cháo qua ngày, đi cấy sáng trăng, quậy bột ngô giả làm trứng gà cho các con ăn...

Thương nội của những ngày xa xăm, càng quý trọng những phút giây gia đình sum vầy, sẻ san buồn vui, sướng khổ.

Mỗi sáng mai này, tôi dậy sớm cùng nội nghe tiếng nước rí rách sôi. Tôi tìm trong làn hương miên man, trong vị ngọt lắng lại nơi cổ họng của ấm trà hoa cúc tình yêu thương và sự chở che vững chãi. Thương quá những sáng mai sương lạnh, nội vẫn đều đặn trở dậy nấu nước pha trà, nghe cháu con xúm xít vui cười, thấy những tháng ngày xế chiều của chính mình nhẹ tựa mây bay...

Mai Đình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Return to top