ClockChủ Nhật, 29/04/2018 13:14

Sống lại hồn thiêng sông núi

TTH.VN - Không khí Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới đang rộn ràng trên khắp các bản làng vùng cao. Bằng nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, lịch sử và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, ngày hội diễn ra từ ngày 28 - 29/4 đã tái hiện nguyên bản các nét văn hóa truyền thống xưa cổ của đồng bào nơi đây, góp phần làm sống lại hồn thiêng nơi sông núi.

Các gian hàng nông sản đặc sản, điểm trưng bày, trình diễn nghề điêu khắc, dệt Zèng và đan lát thủ công truyền thống thật bắt mắt, được bà con dựng lại đúng nguyên bản. Các nghệ nhân điêu khắc thủ công truyền thống xã Hồng Trung thi nhau tạc bức phù điêu về hình tượng anh hùng LLVT A Vầu; tạc các hình tượng thể hiện các sinh hoạt thường nhật của đồng bào dân tộc thiểu số như: cô gái giã gạo, các chàng trai làm thợ rèn… Các gian về phía hai bên dành cho các nghệ nhân trưng bày các vật dụng, nông cụ truyền thống từ bao đời. Khách tham quan còn được tận mắt chứng kiến tài nghệ từ bàn tay những người phụ nữ Tà Ôi thoăn thoắt bên khung dệt thổ cẩm truyền thống mang đậm bản sắc của văn hóa tộc...

Nghệ nhân Rapát Thị Nhàn (trái) trình diễn kỹ thuật dệt Zèng phục vụ du khách 

Nghệ nhân Rapát Thị Nhàn, thuộc Hợp tác xã dệt Zèng thị trấn A Lưới bày tỏ: “Nét độc đáo riêng biệt của kỹ thuật dệt Zèng chính là đưa trực tiếp các hạt cườm vào sản phẩm để tạo nên các hoa văn truyền thống. Zèng là sự sáng tạo kết tinh vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, thể hiện ở sản phẩm với những họa tiết độc đáo, đặc trưng bởi những bàn tay tài hoa, khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi. Với tinh hoa và nét độc đáo riêng biệt, nghề dệt Zèng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đó là niềm tự hào của người dân chúng tôi”.

Khác với trước đây, không gian ngày hội văn hoá các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ 2 năm 2018, lần đầu tiên đã tái hiện lại hoạt động tắm suối và các sinh hoạt dưới nước của đồng bào Pa Cô tại khu du lịch suối A Nôr, xã Hồng Kim.

Bắt đầu từ cổng Khu du lịch sinh thái A Nôr đến tận chân thác nước, hình ảnh các chàng trai, cô gái đang độ tuổi xuân thì sau những giờ nương rẫy rũ nhau ra bờ suối chuyện trò, cất lên tiếng hát giao duyên truyền thống của người Pa Cô dành cho nhau; cùng với đó, các hoạt động tắm tiên, gội đầu bằng lá cây rừng của các cô sơn nữ được tái hiện sinh động…

Anh Hồ Minh Phú, du khách đến từ Quảng Trị, cho rằng: “Đến đây, chúng tôi như được hòa mình vào đời sống sinh hoạt xưa cổ của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới. Các nét văn hóa riêng có này nếu được phát huy, tái hiện một cách bài bản sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, góp phần quảng bá về hình ảnh con người và vùng đất A Lưới đến với du khách”.

Từng đôi trai gái Pa Cô hẹn hò bên dòng suối A Nôr

Đêm ở A Lưới, không khí rộn ràng, vui tươi, phấn khởi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian vẫn tiếp diễn. Tại quảng trường huyện, người đồng bào dân tộc thiểu số trình diễn và giới thiệu đến du khách các loại trang phục truyền thống như: Trang phục già làng, trang phục lễ hội, trang phục cô dâu chú rể… Không gian ngày hội văn hoá các dân tộc thiểu số huyện A Lưới đã tái hiện sinh động những bản sắc riêng có về đời sống sinh hoạt được lưu truyền từ bao đời của đồng bào nơi đây.

Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới – Lê Thị Thêm, thông tin: Ngoài những hoạt động này, tại điểm du lịch sinh thái suối Pâr Le xã Hồng Hạ sẽ diễn ra hoạt động tái hiện tục đi sim (pộc xu) và phiên chợ vùng cao của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức tái hiện lại các nét văn hóa cổ xưa này của đồng bào.

Từng căn chòi được dựng lên bên bờ suối Pâr Le đúng nguyên bản với tục lệ đi sim ngày trước của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từng nhóm thanh niên trong trang phục truyền thống đang trình diễn hết tài năng của mình để chinh phục các cô gái ở trên các chòi cao. Đi sim là một tập tục có từ lâu đời, là nơi hẹn hò của các chàng trai, cô gái đang độ tuổi xuân thì. Họ trao nhau những câu hát giao duyên đầy trữ tình, nồng thắm với những cung bậc cảm xúc đầy yêu thương. Vì vậy, từ bao đời, tục lệ đi sim đã trở thành nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới.

Tái hiện tục lệ đi sim cổ xưa của đồng bào các dân tộc thiểu số

Để tái hiện lại không gian văn hoá tục đi sim và phiên chợ vùng cao, đồng bào nơi đây cùng nhau dàn dựng mô phỏng lại toàn bộ hệ thống cảnh quang bản làng người dân tộc thiểu số trước đây, tái hiện lại các hoạt động văn hoá phi vật thể, các sinh hoạt, lao động sản xuất… Thông qua các hoạt động, đồng bào đã bổ sung các nhóm hiện vật và hệ thống hoá vào khung bảo tồn của cộng đồng. Cùng đó, các làng thống kê, xây dựng các nhóm nghề truyền thống, lập các tổ nghề tự quản để vừa bảo tồn nghề truyền thống, vừa tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống, tăng thêm thu nhập.

Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới – Nguyễn Mạnh Hùng, đây là hoạt động để địa phương cụ thể hoá Nghị quyết của Huyện ủy về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn từ nay đến năm 2020. A Lưới là nơi hội tụ những bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em Pa Cô – Tà Ôi – Ka Tu – Pa Hy – Vân Kiều và Kinh, tạo cho mảnh đất này những giá trị lịch sử văn hóa quý báu. Đó chính là những tập tục sinh hoạt của đồng bào qua nhiều thế hệ, các làng nghề truyền thống, các món ăn dân gian và nguồn văn hóa vật thể vô cùng phong phú, đa dạng. Vì vậy, sau những hoạt động này, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy tạo thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn để phục vụ du khách…

Bài, ảnh: Bá Trí

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sông núi vẫn như xưa

Sau lưng ngôi chợ quê sầm uất Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc) có một ngôi nhà bỏ hoang phế lâu năm. Những mảng tường vỡ nát, trơ các ô, bệ cửa sổ, cửa lớn, những đống gạch ngói nham nhở ngổn ngang khắp gian nhà. Bên cạnh trái là một khối nhà hình tứ giác, cao vọt lên, cũng sập đổ hết mái, nhìn ra một khoảng sân nhỏ có dựng một cái chái trâu, đến hồi xiêu vẹo. Xung quanh sân vườn cỏ dại mọc um tùm, bùn rác lầy lội sau mấy ngày mưa. Thế nhưng, dù trong vẻ đổ nát hoang tàn, người ta vẫn nhìn ra một kiểu nhà đẹp và sang trọng khi xưa, chứng tỏ gia thế vượt trội của chủ nhân. Bên trên cửa chính ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn một bức hoành phi hình cuốn thư đắp nổi cõng trên đôi cánh dơi cùng những nét hoa văn, họa tiết tinh xảo, trên có khắc nổi ba chữ: “Vạn Thế Khang” (Vững mạnh muôn đời). Ngôi nhà mở hướng ra vụng Ông Nghệ, một góc nhỏ Cầu Hai, thu hết mây trời gió nước của cả một vùng mênh mông đầm phá.

Sông núi vẫn như xưa
“Hồn thiêng” của núi

Người Cơ Tu bắt đầu câu chuyện bằng chén rượu, nhưng chén rượu hôm nay tôi uống với anh lại khác, hương vị đãi khách có mùi vị chua ngọt lẫn đắng của cây rừng mang tên anh – Ta Rương Mão…

“Hồn thiêng” của núi
Giữ hồn thiêng của núi

Hai con người đặc biệt thuộc hai thế hệ của núi rừng A Lưới mà tôi có dịp gặp gỡ đã trở thành Nghệ nhân ưu tú, được đồng bào coi là “báu vật lưu giữ hồn thiêng của núi”...

Giữ hồn thiêng của núi
Return to top