ClockThứ Năm, 05/05/2016 14:54

“Sông thơ”, tiếng nói thắm đậm ân tình

TTH - Hội thơ Hương Giang quy tụ hơn 150 hội viên. Họ là những người yêu thơ, yêu Huế và yêu dòng sông Hương thơ mộng. Chào mừng Festival Huế 2016, Hội thơ Hương Giang gửi gắm lòng mình qua thi tập “Sông thơ”.

“Sông thơ với Festival Huế 2016” là sự hội ngộ của 75 tác giả với 230 bài thơ. Rung động trước mùa Xuân; tâm đắc trước vận hội mới của non sông; niềm tin son sắt vào lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu; lắng đọng tâm hồn với Tết Nguyên tiêu; hướng về Hoàng Sa, Trường Sa và tấm lòng đối với chiến sĩ đồng bào ở biên cương và hải đảo; trái tim nồng nhiệt với quê hương, đất nước; tâm sự với những dòng sông tri âm, tri kỷ và hân hoan chào mừng Festival Huế, các tác giả đã trãi bày cảm xúc của mình bằng những vần thơ thật đẹp. Có những tác giả cao niên như các cụ ông, cụ bà Xuân Tốn, Lê Văn Hóa, Trần Kim Hồ, Võ Ngọc Lan, Nguyễn Duy Khương, Phạm Tấn Đạt, Tôn Nữ Minh Châu, Nguyễn Văn Tiên, Đinh Đại Minh, Trần Thân Mỹ, Tôn Nữ Xuân Thảo, Mai Thị Tâm, Phạm Thị Vằng, Đỗ Anh Đào, Hồ Xuân Trạch, Nguyễn Thanh Tâm, Vũ Quốc Lâm, Ngô Hoa, Phan Xuân Lộc, Lê Văn Khinh, Huỳnh Xuân Sen, Tôn Thất Tiếu, Hoàng Xuân Kỳ, Trần Bửu Lâm, Đỗ Xuân Ngân... đã vào tuổi thượng thọ.

Núi Ngự sông Hương cũng là cảnh sắc hữu tình thu hút nhiều tác giả cảm hứng thành thơ: “Núi Ngự, sông Hương tươi cảnh sắc/ Kim Long, Vỹ Dạ thắm tình người/ Gió trăng chan chứa nguồn thi hứng/ Mây nước mênh mang nỗi cảm hoài” (Tôn Thất Viễn Bào). Huế đẹp và thơ, Huế vùng đất kinh kỳ xưa kia và ngày nay Huế là thành phố văn hóa, thành phố di sản, thành phố Festival làm say đắm lòng người: “Rất thanh bình Huế đẹp và thơ/ Câu thi phú bốn mùa ngâm vịnh/ Đêm lung linh trăng Ngự Bình ước hẹn/ Ai vỗ mạn thuyền gõ nhịp giao duyên” (Đinh Minh Sang). Gần Huế thấy yêu thương, xa Huế thấy nhớ thương, Huế cổ kính mà duyên dáng, bởi Huế: “Cái mới, cái hay lấp lánh sắc màu/ Hòa quyện nét cổ xưa duyên dáng/ Không dưng bốn phương bè bạn/ Về đây vui với Huế mình” (Xuân Bình). Ca Huế trên sông Hương, thú chơi tao nhã, cảm xúc còn như bất tận đối với thi nhân; “Dòng sông thoang thoảng hương xưa/ Thuyền ai lả lướt ...sao chưa cập bờ/ Văn Lâu còn đợi trăng mơ/ Vẳng nghe khúc hát... vần thơ trữ tình" (Hồ Ngọc Diệp).

Nói đến Huế, người ta không bao giờ quên những địa danh quen thuộc, những địa danh đã đi vào thơ ca và nay vẫn ám ảnh hồn người: “Trăng treo gió gọi Ngự Bình/ Nội thành cổ kính kết tình muôn phương/ Đường về thôn Vỹ chiều buông/ Vườn cau ngơ ngẩn thoáng hương dịu dàng” (Nguyễn Kim Đông). Hoặc tâm tình bộc bạch tình cảm chân thành với Huế cố đô: “Tôi yêu Huế bởi đền đài tráng lệ/ Từ ngàn xưa in đậm đất thần kinh/ Núi Ngự Bình sương giăng mờ lối cỏ/ Dốc Nam Giao sáng tỏ ánh trăng thề” (Hoàng Xuân Thảo). Một cách nhìn khác cũng thật trữ tình, cảm thức về dòng sông thơ êm đềm đằm thắm: “Trổ nhánh xuân hồng xuống Huế thơ/ Sông Hương đằm thắm nước xanh lơ/ Thuyền về thôn Vỹ chèo khua sóng/ thấp thoáng hàng cau nắng chói mờ” (Linh Trai). Cảm nhận trăng đẹp của Tết Nguyên tiêu, nhiều nhà thơ dành trọn cảm xúc của mình với mùa xuân dâng Đảng: “Nguyên tiêu vằng vặc sáng ngời/ Vầng trăng tỏa rạng bầu trời đầy sao/ Tao nhân mặc khách xôn xao/ Mừng xuân đổi mới tự hào Đảng ta” (Nguyễn Văn Thương). Tết Nguyên tiêu còn là “Ngày thơ Việt Nam” với nhiều cung bậc và sắc màu, đã để lại cho thi nhân và những người yêu thơ nhiều ấn tượng tốt đẹp: “Tháng giêng – nguyên tiêu hào phóng/ Ngự Bình vằng vặc trăng treo/ Câu thơ hóa thành chuỗi ngọc/ Choàng vai quê ấm muôn chiều...” (Ngàn Thương).

Festival Huế 2016 là kỳ Festival thứ 9, các chương trình cộng đồng hưởng ứng festival đã được du khách gần xa mến mộ như Thuận An biển gọi, Sóng nước Tam Giang, Lăng Cô vịnh đẹp, Làng cổ Phước Tích và đặc biệt Chợ quê ngày hội ở cầu ngói Thanh Toàn. Chúng ta bắt gặp những vần thơ mượt mà chơn chất và lắng đọng hồn quê: “Đêm thơ cầu Ngói đã lừng vang/ Bài chòi em hát hội quê làng/ Câu ca thắm đượm tình duyên nợ/ Đến hẹn lại về Festival” (Đặng Văn Thân)...

Ấn phẩm “Sông thơ” là tình cảm của Hội thơ Hương Giang chào mừng Festival  2016, cũng là tiếng nói tôn vinh một dòng sông nên thơ của xứ Huế.

PHAN CÔNG TUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từ đề cương văn hóa đến bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số

Trong Hội nghị Thường vụ Trung ương họp từ ngày 25 đến ngày 28/2/1943, lần đầu tiên cố Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày bản Đề cương văn hóa Việt Nam. Trong bản đề cương này, ba nguyên tắc vận động văn hóa cơ bản đã được Đảng xác định là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa.

Từ đề cương văn hóa đến bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số
Lắng nghe tiếng nói cơ sở

Lắng nghe ý kiến, tâm tư của cán bộ cơ sở, những người đang ở gần dân nhất là cách mà Thị ủy Hương Trà triển khai để kịp thời chỉ đạo kiểm tra, giám sát, giải quyết nguyện vọng chính đáng của dân.

Lắng nghe tiếng nói cơ sở
Return to top