ClockChủ Nhật, 26/09/2021 16:04

Sự cố… mất điện

Thành phố sau lưngTuy một nhưng hai

Nhiều năm nay, mỗi tháng vài lần, vợ chồng con cái nhà anh Thái đều đặn về quê thăm mẹ. Từ ngày bố mất, sau nhiều lần thuyết phục mẹ lên phố ở chung không được, anh cũng chiều lòng để bà ở lại đây lo hương hỏa cho các cụ. Ở nông thôn, bà Nhàn luôn tay với công việc vườn tược. Rau cỏ, gà vịt nuôi trồng được, bà thường gói ghém cho gia đình con trai mang về ăn cả tuần, mười ngày. Chả thế mà có lần chị Hà con dâu bà cao hứng bảo:

- Vợ chồng con ít thời gian nữa nghỉ hưu sẽ về đây ở luôn với mẹ. Làng quê trong lành, vui và bình an mẹ ạ.

- Người làng mình ra Thủ đô cũng nhiều. Lắm người còn gắng “cày cuốc” định cư ngoài đó. Ngoài phố tốt hơn quê chứ?

- Ở thành phố tiện lợi thật, nhưng bức bí lắm…

- Ừ, về quê hay chứ. Thanh cảnh ra trò ý!

Mẹ chồng nàng dâu cứ rỉ rả bao chuyện. Anh chị vốn người quê, ra phố học tập rồi lập nghiệp cũng hơn 20 năm nay, nên chẳng ngại đun bếp củi, nhọ nhem dính đầy nồi niêu xoong chảo. Hằng năm, mỗi độ cuối thu là mùa nước đổ, củi gỗ từ rừng thượng nguồn dạt xuống nhiều, cả làng ra bờ sông trục vớt. Bà Nhàn cũng hăng hái lấy được cả xe công nông. Mùa này về quê, anh Thái được dịp rèn luyện thể lực bằng việc chẻ củi. Chị Hà cùng phụ mẹ chăm chút phơi phóng, bó gọn ghẽ cất lên gác xép. Chỗ củi ấy dùng đến tận mùa nước đổ năm sau, mùa đông chòm xóm đến chơi ngồi sưởi ấm, uống trà, tết tha hồ nấu bánh chưng...

Sau khi nghe mấy vụ người làng vì vớt củi mà suýt mất mạng, vợ chồng anh Thái kiên quyết muốn bà Nhàn chỉ dùng bếp gas. Chị Hà phân tích, một mình bà ăn uống chẳng bao nhiêu, kỳ cạch củi lửa chi cho mệt. Anh chị về chơi vài hôm lo cơm nước thì thôi, chứ sau khi về lại thành phố thì bà vẫn trung thành với bếp củi. Bà bảo thích cơm nấu nồi gang, mê cái mùi khói vương trên miếng thịt rang, nồi cá kho. Ngắm những vệt khói lan ra từ mái ngói, nghe hương thơm ngàn ngạt khi có vài quả bồ kết nổ lách tách trên than đỏ, thật thoải mái làm sao.

Bao chuyến về quê cuối tuần, anh Thái thong dong đi thăm hỏi họ hàng, xóm giềng. Chơi cờ, đánh bóng chuyền ngoài nhà văn hóa với thanh niên làng. Chị Hà thì “ghiền” những món đồng quê, lắm khi chỉ cần bát canh cua, canh hến với đĩa cà muối là cũng đủ để chị đánh bay hai bát cơm. Hai đứa nhỏ đều đang học cấp 2, chúng tạm dời sách vở, theo bạn bè trong xóm cùng đi chăn trâu, đào giun câu cá, làm diều… Ở phố thì ăn mãi mới hết bát cơm, về đây chơi đã nên ăn được ngủ được, bố mẹ chẳng phải nhắc nhở gì.

***

Năm ngoái, anh Thái hào hứng kéo mạng wifi, rồi đưa vào tay bà Nhàn chiếc “sờ-mát-phôn”. Anh hỉ hả, chỉ cần cái điện thoại kết nối internet là có cả thế giới trong tay rồi. Từ giờ mẹ con bà cháu có thể nhìn thấy mặt nhau mỗi ngày được, rất tiện. Chị Hà cài đặt zalo, tỉ mỉ hướng dẫn bà. Nhưng chỉ mãi mà bà Nhàn vẫn không nhớ chỗ bật - tắt “oai phai”, rồi quẹt tay để nghe lại thành ra tắt. Bà cứ lóng nga lóng ngóng, sau một hồi nghe về các chức năng, thao tác, dù chẳng nhớ gì nhưng cứ ờ ờ gật gật cho xong. Hôm nào gọi zalo mà không thấy có kết nối mạng, anh Thái lại phải bấm gọi điện thoại chỉ dẫn bà. Lần nào bà cũng bắc ghế, đưa điện thoại qua bờ tường nhờ tôi trợ giúp.

Nhìn thấy mặt nhau qua màn hình điện thoại, trò chuyện hỏi han nhiều hơn trước, nhưng bà Nhàn tỏ vẻ không vui vì gia đình con trai lại thưa dần những chuyến hồi hương. Hỏi bọn trẻ có nhớ bà không, chúng bảo thấy bà thường qua điện thoại nên không thấy xa cách như trước, nên nhớ… bình thường. Có hôm đang gọi thì nghe thấy cả tiếng vợ chồng lời qua tiếng lại chuyện tiền nong, chuyện nhà cửa, la mắng con cái… Bà hiểu, các con sống ở phố công việc áp lực mệt mỏi, nhà cửa chật chội, đâu dễ dàng gì. Bọn trẻ đang trong giai đoạn tăng tốc học tập, ngoài các môn văn hóa còn phải học thêm môn năng khiếu cuối tuần nữa. Nghỉ học là mất cả hơn trăm nghìn một buổi. Giờ thời buổi người khôn của khó, ngày nghỉ anh chị vẫn phải tranh thủ làm, kiếm thêm đồng ra đồng vào. Dẫu chặng đường vài tiếng chạy xe máy về quê chẳng đáng là bao, nhưng cả tuần các con đầu tắt mặt tối, được ngày nghỉ cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi cho lại sức. Anh Thái nói sẽ sắp xếp về với mẹ, chỉ là thưa hơn trước chút thôi. Bà tự nhủ, mình già rồi chẳng giúp được gì về tiền bạc, phải gắng khỏe cái thân cho chúng nó khỏi bận tâm lo lắng.

Ngoài mặt thì rổn rảng vui, bà nói anh chị cứ lo công việc, lúc nào thư thả thì về, không sao cả. Nhưng hễ cứ gần đến cuối tuần, bà lại sang nhờ tôi mở mạng, gọi để thăm dò xem có về không. Có bận anh Thái nói về, nhưng sau đó vì việc đột xuất nên lại thôi. Thức ăn mua sẵn nào cua, cá đồng, rồi rau củ quả, bà một mình ăn cả tuần không hết.

Gần 2 năm nay từ ngày lắp đặt wifi, vợ chồng anh Thái mỗi lần về quê còn xách theo chiếc laptop để xử lý công việc. Chẳng biết thói quen làm việc ở phố thế nào, chứ về đây hở ra là thấy anh ngồi trước màn hình máy tính tí tách gõ phím. Chị Hà cũng thường xuyên “dán” mắt vào điện thoại. Thấy buồng chuối quả cau, hàng rau, con gà, mớ tép…, gi gỉ gì gi, cái gì chị cũng chụp rồi tung lên khoe trên Facebook. Ngồi đun ấm nước cũng lơ đễnh để tắt bếp vì mải xem video trên mạng, trả lời bình luận, nhắn tin với bạn bè… Đám nhỏ thì ít quấn chân bà nội hẳn, chẳng còn ham thích khám phá cào cào, châu chấu, giun dế như trước. Lấy lý do nắng, chưa đến 9 giờ sáng chúng đã không ló mặt ra khỏi nhà. Nếu là trước đây, có quát nạt khản cổ thì trưa trật vẫn lăng quăng hết nhà này đến nhà khác xin khế, ổi, tụ tập chơi bật bi, ăn vòng với đám trẻ quanh đây.

Hơn cả tháng rồi, chiều tối thứ sáu tuần này cả nhà anh Thái lại mới dắt nhau về quê. Tôi đi đồng về là biết ngay, vì thấy điện bên nhà bà sáng choang, tiếng nói cười vọng sang rôm rả. Sáng thứ bảy, tôi bắt gặp bà Nhàn đi chợ mua bánh cuốn. Về tới nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy bà đang cùng mẹ tôi bóc lạc trên hè.

- Sao anh chị và các cháu về mà bà lại bỏ sang đây thế?

- Ôi, chúng nó còn đang phải đem việc về làm kia kìa. Bà ở nhà thể gì cũng huyên thuyên đủ chuyện, sao chúng làm được?

- Mấy đứa nhỏ đâu hết hả bà?

- Bố mẹ nó bảo cho xả hơi, đang chơi game trên điện thoại.

Bà Nhàn lặng lẽ nhìn xa xăm ra phía bờ tường, nén tiếng thở dài. Bà nhớ quãng thời gian trước, mỗi khi các con về là cùng bà hàn huyên bao nhiêu chuyện. Con dâu phụ bà làm bánh trái, lần thì bánh xèo, lần khác lại bánh lá, bánh bột lọc, bánh khoai rồi làm ruốc tôm, thịt… Nhưng nay, nhìn cả nhà con trai đang say sưa công nghệ, bà cảm giác mình đang thừa ra.

***

Mấy lần về quê gần đây, anh Thái thường gặp cảnh mất điện. Cứ ăn sáng xong thì mất đến tầm gần 10 giờ thì có lại. Chiều lại từ khoảng 15 giờ đến 17 giờ. Mà mất điện đồng nghĩa mất luôn wifi, gói cước 4G trên điện thoại lâu nay không đăng ký nữa, thành ra anh chẳng làm ăn gì được. Bọn trẻ con mặt ỉu xìu vì đang chơi game thì bị cắt. Không có mạng, anh Thái thoải mái gập máy tính, điện thoại đút túi, lại đi chơi nhà họ hàng, uống trà, chơi cờ như trước. Chị Hà và đám nhỏ trở ra vườn bắt sâu, tưới nước, gieo hạt… Tiếng nô giỡn, quát tháo lẫn tiếng cười giòn tan của bà Nhàn lại vang lên.

Đứng bên bờ tường nhìn sang, tôi vui lây cùng bà Nhàn. Phải thế chứ. Ai đâu mang tiếng về quê chơi với mẹ mà cứ cắm mặt vào màn hình điện thoại, máy tính, để mẹ sang một bên thế bao giờ. Nhìn chiếc cầu dao giả được đặt khéo léo đè lên chiếc cầu dao thật bên trong đã được cúp xuống, tôi cười thầm tự thưởng cho ý tưởng của mình. Cái trò kéo điện chung cầu dao này nhiều khi bất tiện, nhưng lúc này lại hữu dụng. Thương quý bà Nhàn như người trong nhà, thấu hiểu tâm tư của bà nên mỗi khi tôi cúp điện, nghe anh Thái vươn người qua bờ tường hỏi, bố mẹ tôi liền phối hợp “diễn” rất ăn ý.

Từ ngày nảy ra ý tưởng sự cố mất điện, căn giờ bật, tắt cầu dao, tôi vừa hồi hộp vừa hào hứng. Không biết việc làm “khuất tất” của mình khi nào thì bị phát lộ, song tôi chẳng có cảm giác lo lắng gì. Nhìn niềm vui ánh lên trong mắt bà Nhàn, thấy tình cảm mẹ con bà cháu trở lại khắng khít khi họ rời tay khỏi những thiết bị công nghệ đã mất kết nối internet, tôi nghĩ mình đã làm đúng.

MAI ĐÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”

TIN MỚI

Return to top