ClockChủ Nhật, 18/09/2022 07:25

Sự phục hồi của thị trường lao động sau ảnh hưởng đại dịch COVID-19

Ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, mở cửa nền kinh tế đã giảm mạnh các tác động của dịch COVID-19 đến các hoạt động kinh tế và thị trường lao động, tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Du lịch phục hồi mạnh mẽ thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sau dịch Covid-19Tư vấn, định hướng để kích cầu thị trường lao động chính thứcNhân niềm tin cho doanh nghiệp để phục hồi tăng trưởng sau dịch

Lao động phổ thông huyện Bình Sơn tham gia học nghề hàn kỹ thuật cao tại Trung tâm đào tạo DooSan Vina trong Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN.

Số người thất nghiệp và thiếu việc làm giảm

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), hiện lực lượng lao động tăng trở lại, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 giảm dần. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng (lần lượt tăng 0,3 triệu người và 0,1 triệu người), lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng ở khu vực thành thị (tăng 0,6 triệu người) và giảm nhẹ ở nông thôn (0,06 triệu người).

Trong quý II/2022, cả nước chỉ còn hơn 8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, giảm hơn một nửa so với quý trước (tương ứng giảm 8,9 triệu người) và giảm 4,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong quý II/2022, số ngươi thất nghiệp là gần 1,1 triệu người, giảm 41,6 nghìn người so với quý trước và giảm 112,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vẫn là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi cao nhất cả nước mặc dù xu hướng chung là giảm dần.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm 2022 là khoảng 881,8 nghìn người, giảm 447,1 nghìn người so với quý trước và giảm 263,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II năm 2022 là 1,96%, giảm 1,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

So với quý trước, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm 2022 giảm ở cả ba khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ (tương ứng giảm 68,8 nghìn người, giảm 182,6 nghìn người và giảm 195,6 nghìn người). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, số lao động thiếu việc làm ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng lên (tăng 20,1 nghìn người), khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 150,4 nghìn người và khu vực dịch vụ giảm 132,8 nghìn người.

Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý II/2022 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 2,33%; sơ cấp là 1,82%; trung cấp là 1,10%; cao đẳng là 0,95%; từ đại học trở lên là 0,61%.

Tăng thu nhập lao động, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững

Ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, trong đại dịch COVID-19, nguồn cung lao động đang giảm do các biện pháp kiểm dịch và sự sụt giảm các hoạt động kinh tế và hệ quả là họ mất/giảm thu nhập nghiêm trọng. Sự tổn thất của thu nhập lao động sẽ chuyển hóa thành sụt giảm các chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ, tác động xấu tới khả năng duy trì kinh doanh liên tục của các doanh nghiệp và sự đảm bảo rằng các nền kinh tế có khả năng phục hồi. Đến nay, tình hình đã thay đổi lớn.

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2022 đạt 6,6 triệu đồng, tăng 206 nghìn đồng so với quý I/2022 (6,4 triệu đồng). So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý II năm nay có tốc độ tăng trưởng khá, tăng 8,9%, tương ứng tăng khoảng 542 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng. Đời sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ.

Cũng theo ông Lâm Văn Đoan, thu nhập bình quân tháng của lao động tại các vùng kinh tế - xã hội được cải thiện rõ rệt. So với cùng kỳ năm trước, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội so với cùng kỳ năm 2021, với mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, tăng 12,9%, tương ứng tăng khoảng 620.000 đồng. Nhưng mức thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng vẫn duy trì mức cao so với các vùng còn lại.

Tỷ lệ giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, theo ước tính của Bộ LĐTB&XH cuối năm 2022 sẽ giảm khoảng 1% so với cuối năm 2021, đạt mục tiêu (kế hoạch từ 1 - 1,5%). Năm 2021, dưới tác động của dịch COVID-19, tỷ lệ giảm nghèo chỉ đạt 0,52%, không đạt mục tiêu Quốc hội giao là giảm từ 1,0 - 1,5%.

Chỉ tiêu bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đều tăng so với cùng kỳ và năm 2021. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 31/7/2022, tỷ lệ tham gia BHXH đạt 34,1% lực lượng lao động, tương ứng khoảng 16.880.493 người. So với cùng kỳ tăng 5,71%, tương ứng là 911.706 người. So với năm 2021 tăng 2,02%, tương ứng là 333.636 người. Số tham gia BHTN đạt 28% lực lượng lao động, tương ứng 13.845.967 người, so với cùng kỳ tăng 5,94%, tương ứng là 775.888 người, so với năm 2021, tăng 3,37%, tương ứng là 451.024 người.

Theo ước tính của Bộ LĐTB&XH, đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 38% (kế hoạch là 37-38%); tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31% (kế hoạch là khoảng 31%), đạt mục tiêu được Quốc hội giao.

Ông Lâm Văn Đoan cho biết: “Chúng ta đang đẩy mạnh cải tiến năng suất, tăng hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hoá Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến tới trở thành nền kinh tế định hướng đổi mới sáng tạo, hiệu quả và bền vững về môi trường. Nâng cao năng suất là điều kiện cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế nhằm hoàn thành các mục tiêu của đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045. Do vậy, cần áp dụng một mô hình tăng trưởng mới, tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển dịch xu hướng phát triển kinh tế”.

“Đại dịch COVID-19, quá trình số hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ định hình lại nền kinh tế cả trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Thị trường lao động, thế giới việc làm (bao gồm cả các vấn đề liên quan đến việc làm bền vững) sẽ trải qua nhiều thay đổi đổi trong những thập kỷ tới”, ông Lâm Văn Đoan nói.

Thị trường lao động Việt Nam đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế của đất nước, nhiều khía cạnh của thị trường lao động đã được cải thiện trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển bền vững và việc làm bền vững cho tất cả mọi người, điều quan trọng nhất là tất cả người lao động, nam giới, phụ nữ, thanh niên và người trưởng thành được tiếp cận với việc làm bền vững.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị quan tâm thực hiện cả trước mắt và lâu dài để hướng tới mục tiêu việc làm bền vững: Thúc đẩy việc làm bền vững cho người lao động và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững. Giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và quyền trong lao động.

“Trong giai đoạn 2022-2026, chúng ta cần tập trung phát huy những lĩnh vực kết quả đã có nhiều tiến bộ, mặt khác cần giải quyết các vấn đề tồn tại, thách thức như tỷ lệ việc làm phi chính thức còn ở mức cao, tỷ lệ lao động chưa qua bất cứ hình thức đào tạo nghề nào còn cao, trình độ tay nghề của người lao động còn thấp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người lao động di cư trong nước còn gặp nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các nhóm đối tượng còn hạn chế và tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững”, ông Lâm Văn Đoan nói.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1.000 nữ nông dân

Ngày 21/3, Ban điều hành Dự án phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã khó khăn đã tổ chức tập huấn cho 170 người ở xã Phú Diên, Phú Vang. Hoạt động có sự tham gia, giám sát của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cán bộ dự án Oxfam, giảng viên trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.

Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1 000 nữ nông dân
Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

Trước thềm Diễn đàn với 12 phiên họp khai mở, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung cũng như kỳ vọng về Diễn đàn Báo chí Toàn quốc trong khuôn khổ “Hội Báo toàn quốc 2024”. Diễn đàn với 12 phiên thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra với báo chí đang được kỳ vọng mở ra con đường mới cho các cơ quan báo chí thích ứng và phát triển, phục vụ và đóng góp đắc lực cho quốc gia, dân tộc.

Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ
Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

TIN MỚI

Return to top