ClockThứ Bảy, 15/10/2022 06:45

Tạo điểm đến không rác thải nhựa

TTH - Cùng với các chất thải khác, rác thải nhựa (RTN) hiện đang tác động đến môi trường và sức khỏe con người. Theo các chuyên gia, để giảm thiểu RTN chỉ cần mỗi người bỏ dần thói quen nhỏ hằng ngày không sử dụng bao đồ nhựa, túi ni lông một lần...

Nỗ lực giảm rác thải nhựa ra môi trườngHạn chế rác thải nhựa ở thành phố Huế

Học sinh làm túi giấy góp phần tuyên truyền giảm rác thải nhựa trong cộng đồng.  Ảnh: MC

Những con số báo động

Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), mỗi năm, con người trên khắp hành tinh thải ra môi trường một khối lượng nhựa đủ để cuốn quanh Trái đất 4 lần, khi có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ.

Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa, như chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc nước, ống hút... trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng do khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, cản trở sự sinh trưởng phát triển của các loài thực vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Khi đốt, RTN tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.

Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ RTN. Theo số liệu của Bộ TN&MT, lượng RTN và túi ni lông ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi ni lông, ước tính bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi ni lông/tháng, tương đương 1kg túi ni lông/hộ/tháng. Ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông ra môi trường.

Việc làm thường xuyên của cán bộ hội, đoàn phường Xuân Phú (TP. Huế) góp phần tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa

Còn theo các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, ước tính, Việt Nam đã thải ra trên 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác thải nhựa chỉ riêng trong năm 2018. Đáng nói, nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, chỉ khoảng 14% lượng RTN được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác (ve chai, đồng nát) và tái chế bởi các doanh nghiệp nhỏ.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF - Việt Nam) kêu gọi giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam. Với thông điệp của WWF - Việt Nam "Giảm RTN là việc cần làm ngay của chính mỗi người, vì sức khỏe của bản thân, của những người thân yêu và vì thiên nhiên trong sạch. Bạn có thể quyết định việc đó!". Theo đó, cần những nỗ lực tuyên truyền mang đến cái nhìn đúng đắn và đầy đủ hơn về trách nhiệm cá nhân trong giảm thiểu RTN sẽ hỗ trợ nâng cao ý thức, ứng xử của thế hệ trẻ và các thế hệ tương lai trong việc giảm ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường. WWF - Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng không riêng ở Thừa Thiên Huế cần giảm thiểu RTN theo nguyên tắc 5T: Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế - Thu hồi.

Chủ động phòng ngừa

Tại Thừa Thiên Huế, những năm gần đây phong trào chống RTN diễn ra một cách tích cực.  Đáng nói, hưởng ứng phong trào "Chống RTN" do Bộ TN&MT phát động và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch, triển khai nhiều hoạt động, phong trào, như "Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần". Sau khi phát động, phong trào này đã được các sở, ban, ngành hưởng ứng. Đến nay, hầu hết các buổi hội họp, hội thảo... các sở, ban, ngành không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần. Thay vào đó, chuyển sang sử dụng các bình nước có dung tích lớn trên 20 lít; hoặc tự đun nấu và sử dụng các bình lớn để đựng nước. Tỉnh cũng yêu cầu hạn chế sử dụng túi ni lông, khăn lau sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động công sở... để giảm RTN ra môi trường.

UBND tỉnh triển khai phong trào "Chủ nhật xanh"; phát động các cuộc thi "Sáng tạo Xanh Thừa Thiên Huế" hàng năm, nhằm kêu gọi người dân cùng chung tay hành động "Nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy", "Chống RTN vì một Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng". Các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, đơn vị, người dân hưởng ứng phong trào chống RTN; sản xuất, sử dụng các loại sản phẩm, hàng hóa, vật dụng bao gói... thân thiện với môi trường. Đến nay nhiều trung tâm, siêu thị trên địa bàn TP. Huế  đưa các loại bao bì dễ tiêu hủy, túi giấy vào đóng gói hàng hóa thay túi ni lông khó tiêu hủy. Các hội, đoàn cơ sở ở huyện Phú Vang, Phú Lộc... tích cực triển khai thực hiện mô hình "Đi chợ bằng giỏ nhựa" nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ trên địa bàn...

Dấu ấn rõ nét là, hiện nay phong trào "Chủ nhật xanh" đã thành nếp, lan tỏa rộng khắp đến mọi người dân làm diện mạo từ đô thị đến nông thôn, đường làng ngõ xóm sạch đẹp lên hàng ngày; RTN giảm thiểu đáng kể. Ông Nguyễn Lâm Phúc, Phó Trưởng phòng TN&MT TP. Huế chia sẻ, với nỗ lực, quyết tâm của chính quyền, người dân và sự quan tâm, hợp tác chia sẻ từ các tổ chức trong, ngoài địa phương, phong trào chống RTN đi vào thực chất, góp phần xây dựng TP. Huế ngày càng thêm xanh - sạch - sáng.

Dự án (DA) "Huế - Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam" được tài trợ bởi WWF - Việt Nam. DA sẽ hỗ trợ TP. Huế bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi RTN, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan.

Mục tiêu đến năm 2024, Huế trở thành Đô thị Giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi. DA được thực hiện trong 4 năm, từ năm 2021-2024 và được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn khởi động DA (2021) và giai đoạn triển khai thực hiện (2022-2024) với mong muốn đưa Huế trở thành một điểm đến không rác nhựa vào năm 2030.

Bài, ảnh: Song Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải

Ngày 6/4, trên các trục đường giao thông của các xã, thị trấn, trên các bãi biển...ở Phú Vang, hàng trăm cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, tiến hành phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, cắt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh – sạch - sáng.

Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải
Có nên định vị Việt Nam là điểm đến du lịch giá rẻ?

Thời gian qua, du lịch Việt Nam đã tạo được lợi thế cạnh tranh về giá khi liên tục xuất hiện trong danh sách những điểm đến giá rẻ nhất thế giới do các tổ chức, đơn vị quốc tế bình chọn. Song, có nên định vị Việt Nam là điểm đến du lịch giá rẻ để tăng cường khả năng hút khách không lại là câu chuyện khác.

Có nên định vị Việt Nam là điểm đến du lịch giá rẻ
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top