ClockThứ Sáu, 27/04/2018 14:56

Thầm lặng bên “cánh gà”

TTH - Trong mỗi kỳ Festival Huế, những nghệ sĩ, diễn viên trực tiếp biểu diễn trên sân khấu quyết định thành công của lễ hội. Tuy nhiên, nếu không có sự góp sức thầm lặng của những người đứng bên “cánh gà” sân khấu thì Festival Huế sẽ khó trọn vẹn.

Đảm bảo an ninh cho Festival HuếVăn nghệ sĩ góp sức cho thành công của Festival Huế 2018Tình nguyện viên Festival Huế 2018: Chuẩn bị tâm thế nhập cuộc400 tình nguyện viên tham gia tập huấn phục vụ Festival Huế 2018

Anh Hoàng Đại Tý - nhân viên Tổ quản lý điện - Văn phòng trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế treo đèn lồng tại mái lầu Ngũ phụng chuẩn bị cho festival. Ảnh: Bảo Minh

 

Những kỷ niệm đẹp

Khó khăn nhất đối với mỗi lễ hội là thời tiết. Riêng Huế, dường như mỗi lần tổ chức lễ hội lớn là trời lại mưa. Kịch bản đó lặp lại vài giờ trước lúc khai mạc Festival Huế 2016. Mưa như trút nước. Gần 1 tiếng đồng hồ trước lúc chương trình lên sóng trời tạnh mưa, mặt sàn sân khấu lúc này lênh láng nước, khó cho các nghệ sĩ biểu diễn, nhất là những tiết mục múa, phải di chuyển nhiều trên sân khấu.

Tất cả lực lượng tình nguyện viên phục vụ đêm khai mạc bỏ hết công việc đã giao trước đó, tập trung về sân khấu trung tâm. Anh Ngô Hà Trung, Phó Ban điều hành Tình nguyện viên Festival Huế 2018 nhớ lại: “Tham gia tình nguyện viên tại Festival Huế 2016 có 300 người, riêng đêm khai mạc huy động 150 người làm nhiệm vụ. Tất cả tình nguyện viên đã “lăn xả” để lau mặt sàn. Bao nhiêu khăn, giẻ mà ban tổ chức cấp vẫn không đủ sử dụng, nhiều tình nguyện viên đã lấy cả áo khoác của mình để lau sàn. Dù không thể giúp mặt sàn sân khấu khô hoàn toàn, nhưng cũng phần nào giúp nghệ sĩ tự tin hơn khi biểu diễn”.

Cũng trong đêm khai mạc Festival Huế 2016, một số thành viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thấy trong người không được khỏe nên về khách sạn. Đêm khai mạc, người dân và du khách tập trung về khu vực Quảng trường Ngọ Môn rất đông, các tuyến phố lân cận cũng chật kín người. Các thành viên này đã bị lạc. Thông tin nhanh chóng thông báo đến ban tổ chức. Lúc đó, những người nói được tiếng Trung của Đại sứ quán không biết đường để hướng dẫn. Trong số tình nguyện viên hôm đó có người biết nói tiếng Trung. Tình nguyện viên này nhanh chóng được “triệu tập”. Sau một lúc, tình nguyện viên đã đến nơi mà các vị khách bị lạc và đưa về khách sạn an toàn.

Tình nguyện viên lau sân khấu khai mạc Festival Huế 2016 sau trận mưa lớn

Mỗi kỳ festival, công việc tăng gấp nhiều lần đối với lực lượng bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Tăng ca 100%, làm việc từ sáng cho đến nửa đêm mới về được nhà. Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ, festival đến, công tác đảm bảo an toàn trong di tích càng cẩn trọng hơn. Năm nào cũng vậy, luôn có đối tượng lợi dụng vào tham quan rồi trộm cắp trong Đại Nội. Kỳ festival gần đây nhất có đối tượng vào trộm loa của sân khấu, trong lúc phi tang thì bị bảo vệ phát hiện và giao cho Công an phường Thuận Thành, TP. Huế xử lý.

“Một đêm của Festival Huế 2016 trong Đại Nội, có một đoàn khách vào tham quan, thưởng thức nghệ thuật. Trong lúc đi tham quan, đoàn làm thất lạc một cháu bé. Cả đoàn hoảng hốt, nhất là bố mẹ cháu. Nghe tin, tôi tức tốc đến, dùng bộ đàm báo đến tất cả bảo vệ trong Đại Nội chú ý cháu bé tầm 5-6 tuổi đang đi lạc. Đại Nội hôm đó đến vài nghìn khách, để tìm cháu bé không phải dễ. Khoảng 20 phút, tin báo qua bộ đàm có cháu bé đang khóc ở một điểm khá xa so với điện Thái Hòa, nơi cả đoàn đang đứng. Khi mọi người đến nơi phát hiện cháu bé, bố mẹ cháu òa lên khóc. Nếu gặp chuyện chẳng lành không chỉ ảnh hưởng đến di tích mà cả festival”, ông Nguyễn Thành Nam tâm sự.

Góp phần thành công

Sau mỗi đêm diễn, khi khán giả lần lượt trở về nhà và chìm vào giấc ngủ, lúc này, những công nhân của Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế lại miệt mài với công việc làm vệ sinh, kịp thời trả lại không gian sạch sẽ cho thành phố vào sáng sớm ngày mai. Tôi còn nhớ, có một số tờ báo phản ánh rằng, rác “ngập” khu vực Kỳ Đài sau đêm khai mạc Festival Huế. Làm sao tránh khỏi khi ý thức của một số người dân người chưa cao. Nhưng hãy thử đến Kỳ Đài vào sáng sớm ngày mai, tôi chắc chắn không còn một cọng rác nào.

Theo đánh giá của Ban tổ chức Festival Huế 2018, mỗi kỳ festival luôn có hàng trăm chiến sĩ công an tham gia phân luồng, giữ trật tự trên các tuyến phố, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn. Đánh giá của du khách, hiếm có lễ hội nào trên cả nước thu hút đông du khách, mà tình trạng trộm cắp được kiểm soát tốt như Festival Huế. Đến Huế luôn có cảm giác yên tâm để hòa vào lễ hội.

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban tổ chức Festival Huế 2018 nhớ lại, Festival Huế 2014, có du khách phản ánh mất một chiếc máy quay phim khi đi tham quan trong dịp festival. Sự việc vừa trình báo lên cơ quan công an thì người tài xế xích lô nhặt được đã mang máy quay đến cơ quan công an để trả lại cho du khách. Vào năm 2012, có du khách người Pháp để quên máy tính xách tay chứa nhiều tư liệu quan trọng liên quan đến công việc ở cầu ngói Thanh Toàn. Sau đó, một người dân ở Thanh Toàn đã nhặt được, báo cáo với cơ quan chức năng và kịp thời trả lại cho vị khách này và họ rất cảm kích, ấn tượng với Huế, với festival.

Ông Huỳnh Tiến Đạt đánh giá, sự mến khách, cởi mở của mỗi một người dân Huế chính là “chìa khóa” giúp Festival Huế thành công. Tất nhiên đi đôi với đó là nỗ lực của cả “ê kíp”: tình nguyện viên, điều động viên, lực lượng an ninh, vệ sinh môi trường... Những người không trực tiếp đứng trên sân khấu, chỉ đứng bên cánh gà và hỗ trợ tối đa để những nghệ sĩ có không gian, thời gian, mang những tiết mục tốt nhất “cống hiến” cho công chúng và khán giả khi đến với Festival Huế.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thử thách & cống hiến

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, dám đương đầu thử thách, thế hệ trẻ đã, đang nỗ lực góp sức, chung tay xây dựng quê hương sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Thử thách  cống hiến
Nguyễn Thanh Hiếu - người anh hùng thầm lặng - Bài 1: Người anh, người đồng đội tình nghĩa

Khi làm phim “Huế - bản hùng ca Xuân 68”, tôi được các ông: Nguyễn Trung Chính và Phan Nam, lúc ấy đều là Thành ủy viên nằm trong Ban Chỉ huy cánh Bắc của Mặt trận Huế cho biết, tham gia “mở cửa Chánh Tây”, ngoài lực lượng tại chỗ, ta còn phái vào một cán bộ đặc công. Người đó tên là “Hiếu” nhưng họ là gì, quê quán ở đâu các ông không rõ. Mãi đến gần đây, trong một cuộc trò chuyện, khi nhắc đến nhân vật này, nguyên Bí thư Thành ủy Huế Nguyễn Văn Quang thốt lên: “Tôi vừa là đồng đội và là người em thân mến của anh Hiếu!”.

Nguyễn Thanh Hiếu - người anh hùng thầm lặng - Bài 1 Người anh, người đồng đội tình nghĩa
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh Chính trị nội bộ (10/5/1958 – 10/5/2023)
Thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức, các tên gọi khác nhau, lực lượng An ninh Chính trị nội bộ (ANCTNB), Công an tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng; tận tụy với công việc, vì Nhân dân phục vụ, lập nên những chiến công thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng nhưng không kém phần cam go, quyết liệt.

Thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng
Thầm lặng những chiến sĩ “anh nuôi”

20 thành viên trong tổ nuôi quân vẫn ngày ngày âm thầm lặng lẽ đi sớm, về muộn cùng công việc “anh nuôi” của mình, phục vụ mỗi ngày hơn 1.000 suất ăn cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Đó là hình ảnh những chiến sĩ nuôi quân ở Tiểu đoàn 1, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, những người lặng lẽ đóng góp vào những thành tích chung của đơn vị.

Thầm lặng những chiến sĩ “anh nuôi”
Return to top