ClockThứ Ba, 08/03/2022 06:45

Thầm lặng tỏa hương

TTH - Đó là những nữ “chiến binh” của Bệnh viện Trung ương Huế trên mọi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Căng thẳng, áp lực và cả thường trực nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, nhưng những “chiến binh” ấy luôn làm tròn sứ mệnh của người thầy thuốc, như những bông hoa thầm lặng tỏa hương.

Tiếp tục chi viện 40 cán bộ, y bác sĩ vào TP. Hồ Chí MinhBám chốt chống dịch

Nữ bác sĩ "vững tay" trong lĩnh vực điều trị ung thư nhi

Mai Thị Hồng Vân, Phan Nhã Uyên, Phan Thị Phương, Diệp Thị Ngọc Bích, Lê Thị Ánh Như… là những "chiến binh" trong rất nhiều những "chiến binh" của Bệnh viện Trung ương Huế tỏa khắp các mặt trận ngoài Bắc, trong Nam và khu vực miền Trung khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tạm gác công việc thường nhật và những bộn bề lo toan gia đình, các chị đã vượt lên mọi rào cản về tâm lý, sức khỏe và bước vào “trận chiến” chống COVID-19 với tinh thần trách nhiệm cao nhất có thể.

Ở thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, hơn 200 y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế đã ký đơn tình nguyện được tham gia trực tiếp trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Trong những lá đơn tràn đầy nhiệt huyết đó, có rất nhiều lá đơn của các nữ chiến sĩ áo trắng.

Nữ nhân viên của Bệnh viện Trung ương Huế lên đường chi viện phòng, chống dịch phía nam

Đó là điều dưỡng Ánh Như tình nguyện “Nam tiến” trong một cuộc hẹn chưa định cụ thể ngày về và cũng là chuyến công tác ngoại tỉnh xa nhất trong chặng đường 20 năm làm nghề. Đó là bác sĩ Phan Nhã Uyên có đến 10 lần viết đơn tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch COVID-19 mới được duyệt. Đó là bác sĩ Phan Thị Phương, gửi gắm chồng và người thân chăm 2 con nhỏ, lo chuyện xây nhà để theo đơn tình nguyện vào điểm nóng. Hay là bác sĩ Mai Thị Hồng Vân – cô gái năng động, hay cười, quyết xin trụ lại ở Trung tâm Hồi sức bệnh nhân COVID-19 Trung ương Huế dù mấy lần đến lượt “đảo quân” theo quyết định của Ban Giám đốc.

“Tôi muốn bám trụ lại nơi đây để mỗi ngày được giúp các bệnh nhân phục hồi chức năng, sớm trở về với cuộc sống thường ngày. Tôi nhớ mãi ánh mắt của một nữ bệnh nhân trung niên khi phải trải qua những cơn khó thở và nỗi ám ảnh từ tiếng kêu tít tít của chiếc máy thở. Đã có lúc cô ấy rơi vào tình trạng nguy kịch. Nhưng với sự tận tâm cứu chữa của các bác sĩ và cố gắng tập luyện của người bệnh, may mắn đã đến với cô ấy. Được thấy cô ấy có thể chập chững đi lại được là niềm hạnh phúc vô cùng ý nghĩa” - bác sĩ Vân chia sẻ.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Trung ương Huế được xem là một trong những thành trì y tế quan trọng của miền Trung. Đây là địa chỉ tuyến cuối tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền nặng. Trải qua các đợt sóng dịch COVID-19, cuộc chiến chống “giặc” này dường như chưa bao giờ khiến nhân viên y tế của Bệnh viện Trung ương Huế, trong đó các nữ chiến sĩ áo blouse trắng, có được thời gian nghỉ ngơi. Nhiều nữ “chiến binh” đã tình nguyện chọn việc khó, nguy hiểm để phục vụ Nhân dân và đất nước trong đại dịch. Ở bất cứ mặt trận nào, nhiệm vụ nào, các chị cũng nỗ lực hết sức và tâm huyết để hoàn thành.

Bệnh viện Trung ương Huế có hơn 3.179 cán bộ, viên chức, trong đó tỷ lệ nữ chiếm khoảng 64,5%. Số lượng cán bộ nữ có chức vụ trưởng khoa/phòng chiếm tỷ lệ 20,4%; điều dưỡng và hành chính đội ngũ trưởng, phó khoa/phòng/trung tâm chiếm tỷ lệ 80%. Hiện, Bệnh viện đang có nữ Phó Giám đốc Bệnh viện – thành viên nữ đầu tiên có mặt trong Ban Giám đốc qua hành trình hơn 125 năm Bệnh viện Trung ương Huế hình thành và phát triển.

Bệnh viện đã và đang là địa chỉ tin cậy trong chăm sóc điều trị chất lượng cao. Đội ngũ cán bộ nữ nói chung và nữ trí thức bệnh viện nói riêng là nhân tố tích cực và có vai trò to lớn trong quá trình phát triển đi lên của Bệnh viện. Năm 2020, tập thể nữ cán bộ, viên chức Bệnh viện Trung ương Huế vinh dự được nhận giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng.

Không thể đong đếm hết những hy sinh, vất vả trong thầm lặng của các nữ y, bác sĩ trên các mặt trận của ngành y. ThS.BS. CKII. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế luôn tự hào: “Vừa đảm trách tốt nhiệm vụ ở cơ quan, làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình, nhưng các chị đã vượt lên tất cả cùng sự hỗ trợ từ người thân để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, không thua kém các nam đồng nghiệp. Họ chính là những bông hoa đầy sắc màu, tỏa hương trong vườn hoa tập thể nữ Bệnh viện Trung ương Huế”.     

Bài: ĐỒNG VĂN - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý
Return to top