ClockThứ Hai, 28/02/2022 06:10

Thanh âm

Vườn hồng của chaĐi chợ bất đắc dĩ

Năm mười tám tuổi, Bách theo mẹ đến nhà thờ họ. Mẹ dặn Bách thắp hương xong thì ra ngoài đi dạo, đừng để ý chỗ người lớn nói chuyện. Bách ngồi dưới tán cây nhãn già, nhắm mắt, nghe những thanh âm ồn ào vọng đến. Trong nhà, các cụ bô lão ngồi trên chiếc ghế trường kỷ thi nhau chất vấn mẹ anh. Bà nội khóc bảo:

- Tôi chỉ có duy nhất một đứa con trai, chẳng may nó mệnh yểu mất sớm. Giờ còn mỗi đứa cháu đích tôn, chị lại định để nó đi xa tận đẩu tận đâu. Thử hỏi, tuổi già này biết nương tựa vào đâu?

- Bà ở nhà đã có chúng con. Cháu nó đi du học chứ có đi mất luôn đâu mà bà sợ.

- Tôi giờ gần đất xa trời, chẳng biết lúc nào tổ tiên gọi đi theo. Nó ở gần, lúc tôi hấp hối còn kịp nhìn mặt cháu dặn dò.

Tiếng các cụ thi nhau lên tiếng:

- Bố mất sớm thì sau này thằng Bách phải gánh việc của dòng họ. Cho đi học xa nhà nhỡ nó lập nghiệp rồi lấy vợ luôn bên ấy thì mất con mất cháu. Nhà này không ai đồng ý cho thằng bé đi du học.

Mẹ vẫn như mọi khi, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết:

- Thưa các ông, các bà. Chuyện tương lai của Bách, chỉ cháu nó mới có quyền quyết định. Con tuy làm mẹ, mang nặng đẻ đau và cực nhọc nuôi nấng nó lên người, nhưng cũng không có quyền sắp đặt cuộc đời thằng bé. Nó mới mười tám tuổi, cần phải sống cuộc đời của nó.

Mẹ bước ra khỏi nhà thờ họ, lưng thẳng, mặt ngẩng cao không chú ý đến những lời bàn tán phía sau. Đó là một trong những lần hiếm hoi Bách thấy lưng mẹ thẳng. Cả đời mẹ tất tưởi lo toan, lúc còn làm ruộng thì quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Sau này mở cửa hàng, lưng mẹ lúc nào cũng cúi xuống bốc hàng, tìm thứ này thứ kia cho khách. Bách còn nhớ như in hình ảnh mẹ năm xưa mỗi buổi trưa giặt giũ ngoài giếng làng. Người ta ngồi giặt còn mẹ đứng, cúi gập người trong màn mưa xuân, tay vò áo quần thoăn thoắt. Trên dây phơi trước nhà dễ dàng nhận thấy những chiếc áo sờn lưng của mẹ. Tấm lưng mẹ cả đời cúi xuống hứng mưa, hứng nắng để các con được đứng thẳng người.

***

Bách ở xứ người, trong cái lạnh thấu xương, khi băng tuyết rơi trắng khắp nơi, anh nghĩ về người mẹ của mình. Mẹ như đốm lửa nhỏ sưởi ấm lòng anh vượt qua những biến cố thăng trầm. Bách mở phần mềm theo dõi camera từ xa, căn nhà mẹ hiện lên, thân thuộc. Buổi tối khi cửa hàng đã đóng, mẹ ngồi một mình trong bếp. Mâm cơm được dọn ra, chỉ thấy con mèo già và chú chó nhỏ mừng vui chạy loanh quanh chân chủ. Mẹ giơ bát cơm về phía camera, tỏ ý mời các con cùng dùng cơm. Vì mẹ biết dù ở nơi xa các con vẫn hướng về ngôi nhà nhỏ. Tiếng Bách vọng ra từ camera:

- Bữa nay mẹ ăn cơm với gì vậy ạ?

- Sáng mẹ ra chợ mua được mớ tép đồng ngon quá về kho tương. Cà nhà làm ăn vừa đúng độ chua, thêm chút canh rau muống cho dễ nuốt.

- Nghe mẹ kể mà con thèm ứa nước bọt đây này.

- Thèm thì về đây mẹ nấu cho ăn.

Có những ngày nghỉ, Bách nằm ngắm ngôi nhà qua điện thoại. Anh mường tượng ra thanh âm của những giọt mưa đêm rơi trên mái tôn, của tiếng gà xao xác ngoài vườn, của từng bước chân mẹ trên thềm nắng.Trong hơn mười năm tuổi trẻ, Bách đã đặt chân đến không biết bao nhiêu vùng đất, gặp gỡ biết bao con người. Bách tiếp cận nền văn minh, đi tìm tiếng nói của tự do, sống một cuộc đời tự chủ và phóng khoáng. Bách đã làm những điều mà mình thích, theo đuổi người mình yêu. Nhưng Bách dần nhận ra nơi thuộc về mình mãi mãi là ngôi nhà của mẹ. Nơi mà những tháng năm niên thiếu, sau vài cơn ngông cuồng Bách trở về nằm im trong căn phòng tối. Nghe tiếng mọt kêu cọt kẹt trên xà nhà. Hoặc cũng có thể đó là tiếng rên rỉ của từng thớ gỗ tàn. Có những thanh âm tưởng chừng chỉ có thể nghe thấy bằng tim. Như tiếng của từng vạt nắng lẻn qua những kẽ hở vào phòng. Tiếng thở dài nén chặt trong lồng ngực mẹ. Hay thanh âm tuổi dậy thì trỗi dậy trong từng mạch máu trên cơ thể. Thanh âm của khát vọng, bỡ ngỡ, nồng nhiệt và đổ vỡ. Ngay cả khi không có tiếng động nào vang lên thì thanh âm của sự lặng im còn thúc giục và da diết hơn nhiều.

Bách dần nhận ra mình không thuộc về nơi này. Anh không còn nghe thấy những thanh âm háo hức và hạnh phúc như những buổi đầu tiên nữa. Người Bách thương cuối cùng cũng rời bỏ anh đi. Chỉ có công việc cuốn lấy anh ngày tháng. Anh như cánh chim bay trên vùng trời tự do đã đến lúc mỏi cánh. Quãng thời gian này, anh nghĩ về quê hương nhiều hơn. Có đêm tỉnh giấc, Bách tưởng như trên đầu lưỡi còn vị đắng của rau rừng. Bách biết đã đến lúc trở về…

***

Nhân lúc vắng khách, bà Thao tranh thủ ngồi khâu lại chiếc áo bị tuột đường chỉ. Tiếng đổ vỡ đâu đó trong bếp khiến bà giật mình. “Chắc là con mèo nhỏ lại đùa nghịch làm vỡ thứ gì”, bà lẩm bẩm đứng dậy đi vào bếp. Từ khi ba đứa con đi xa, nhà ít dần tiếng động. Ban ngày, khách vào ra mua bán nói cười khiến bà quên đi cảnh sống đơn độc một mình. Nhưng đêm đến, nếu không có chó mèo khua khoắng, ngôi nhà sẽ chìm sâu trong tĩnh lặng.

Thằng út thuê người lắp camera khắp nơi trong nhà, từ cửa hàng đến phòng ngủ. Nó nói: “Để con ở xa, mở ra là được thấy khắp ngõ ngách trong nhà. Biết được mẹ đang làm gì? Ăn gì? Như thế con mới thấy được gần ngay bên mẹ”. Cái camera bé tí treo mãi trên tường, nhưng bà thấy lưng mình luôn ấm vì biết rằng các con vẫn dõi theo mình. Nhỡ có đau ốm, ngã ra đấy còn có ánh mắt ngó qua ngó lại, dù bà biết các con bận trăm công nghìn việc. Từ ngày lắp “con mắt thần” bà không còn dám ngồi khóc một mình. Bà làm gì cũng cố gắng hoạt bát, vui vẻ để các con nhìn thấy yên tâm. Thỉnh thoảng, bà còn rủ hàng xóm sang hát hò, hoặc nấu nướng vui vẻ. Có khi cái chân dở chứng đau nhức bà vẫn gắng đi lại bình thường. Đến bữa cũng không còn một nồi, một bát mà dọn mâm ăn uống đàng hoàng. Bà trồng thêm nhiều hoa, kết giao thêm bạn bè. Những bộ quần áo mới các con gửi về bà cũng lôi ra mặc.

Nhiều lúc ngồi mở ti vi nói oang oang, nhưng tâm trí bà đã chìm vào kỷ niệm. Bà nhớ lại những năm tháng nhà còn đông đủ. Khi chồng bà còn sống, ba đứa con còn nhỏ. Nhà tuy nghèo khó nhưng đầm ấm yên vui. Từ ngày chồng mất vì bạo bệnh, mọi gánh nặng dồn lên vai bà. Nhiều lúc ngẫm lại quãng đường đã đi qua, bà không khỏi ngậm ngùi.

Bà thường ngồi ngoài hiên ngó ra đường. Thấy xe cộ trôi đi, bà tự hỏi họ đang về nhà hay đi xa? Bà lại ngồi nhớ con, nhớ cháu. Mới nửa tháng trước nhà còn đông vui vì con gái, con rể dẫn cháu ngoại về ăn tết. Tiếng bước chân trẻ con đánh thức từng mảng tường, viên gạch. Chúng chạy từ ngoài sân vào nhà, từ xó bếp ra vườn, luẩn quẩn cười đùa cả ngày không biết mỏi. Mấy đứa con bày biện nấu nướng món gì bà cũng đều thấy ngon. Mấy năm trước bà còn nhờ các con nhổ tóc bạc cho mình. Nhưng năm nay trên đầu bà đâu còn mấy sợi đen. “Ấy thế mà chưa thấy thằng út nhắc gì chuyện vợ con”, bà nén tiếng thở dài khẽ than thở. “Biết đâu ngày gần nhất cậu út về dẫn theo cả nàng dâu về cho nội”. Đứa cháu ôm cổ bà tếu táo.

Ấy thế mà thằng út về thật, vào một chiều mùa xuân. Lúc bà đang cúi xuống lúi húi xếp lại hàng trên kệ thì nhận thấy hình như có người đứng đằng sau. Bách đặt vali xuống, ứa nước mắt trước tấm lưng của mẹ. Anh chạy lại ôm lấy tấm lưng ấy, hít hà mùi dầu gió lẫn đâu trong thớ vải. Không có nàng dâu nào theo về, nhưng Bách nói sẽ về nước hẳn. Sẽ tìm hiểu và yêu đương. Sẽ cưới về một nàng dâu tốt tính biết yêu thương, hiếu thảo. Anh nói thế lúc gắp quả cà, cắn một miếng đã đời rồi nghe vị chua giòn tan trong khoang miệng. Anh vui quá nên nghe tiếng gió thổi ngoài vườn cũng bồi hồi xúc động. Những thanh âm bình dị và thân thuộc đang ngấm dần vào mọi giác quan. Mùa xuân ngọt và êm quá đỗi…

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top