ClockThứ Tư, 26/01/2022 14:13

Thanh toán không dùng tiền mặt: Giải pháp giảm tải ATM

TTH - Nhu cầu rút tiền mặt tại các cây ATM trong dịp tết sẽ không tăng đột biến như mọi năm, do thói quen chi tiêu của người dân đã có nhiều thay đổi. Mặc dù vậy, các ngân hàng trên địa bàn vẫn tăng cường các giải pháp dự phòng, tiếp quỹ bổ sung… nhằm hạn chế tới mức thấp lỗi kỹ thuật, hết tiền trong quá trình rút, nộp tiền của người dân.

Triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tửCông nghệ số - “chìa khóa” cho thanh toán không dùng tiền mặtTạo điều kiện cho người dân trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt

Ngoài giao dịch tiền mặt, các cửa hàng đều triển khai giao dịch trực tuyến

ATM được giảm tải

Ảnh hưởng của dịch COVID-19, thói quen tiêu dùng của người dân đã có nhiều thay đổi so với thời gian trước. Nếu trước đó, người dân tập trung rút tiền mua sắm trong những ngày cận tết thì năm nay xu hướng mua sắm online lại chiếm ưu thế. Bằng chứng là các trang thương mại điện tử lớn lần lượt có những báo cáo khủng về tỷ lệ mua sắm trong những ngày cuối năm. Các chợ lớn, các cửa hàng, doanh nghiệp đều đầu tư cho kênh mua bán hàng hóa online, đi chợ trực tuyến. Và khi mua sắm trực tuyến được đẩy mạnh, các kênh thanh toán trực tuyến cũng có đà tăng trưởng. Trong năm 2021, giá trị giao dịch qua mobile banking tăng 149%; qua kênh internet banking tăng 90% so với năm 2020 là một minh chứng quan trọng.

Tại các cửa hàng, nếu như trước đây chỉ có một hình thức thanh toán là tiền mặt thì bây giờ đã có thêm rất nhiều hình thức thanh toán khác thông qua các ứng dụng ngân hàng hay ví điện tử trên điện thoại di động, máy POS. Nhiều chủ cửa hàng cho biết, so với trước khi dịch bệnh diễn ra, số lượng người mua hàng chọn thanh toán không tiền mặt tăng khoảng 20-30%. Việc miễn phí giao dịch qua ngân hàng điện tử từ đầu năm 2022 mà nhiều ngân hàng đang áp dụng được xem là động lực trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với ngân hàng điện tử, internet banking, mobile banking mà các ngân hàng triển khai thì 3 nhà mạng viễn thông lớn đều đã được cấp phép triển khai dịch vụ mobile money, cho phép người dùng có thể chuyển tiền, thanh toán mà không cần kết nối internet, cũng không cần có tài khoản ngân hàng. Các ví điện tử như Mo Mo, Zalo Pay… cũng trở nên thông dụng.

Với việc phát triển lớn mạnh các kênh thanh toán trực tuyến tạo nên thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong người dân. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần giảm tải cho các cây ATM dịp tết.

Chủ động xây dựng phương án tiếp quỹ

Theo quan sát, dù chỉ còn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán song tại các cây ATM của nhiều ngân hàng vẫn không xảy ra tình trạng quá tải. Người dân rất có ý thức trong việc xếp hàng, giữ khoảng cách trong thời gian chờ đợi đến lượt giao dịch.

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, các ngân hàng đều chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch về hoạt động ATM dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022. Trong đó, chú trọng về kế hoạch tiền mặt cho ATM, tiếp quỹ ATM, nhân sự cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng ATM… Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng giám sát để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời đối với các ATM hết tiền; có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt.

Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã tăng tần suất tiếp quỹ lên 1 ngày/lần hoặc 2 lần/ngày đối với các cây ATM có tần suất giao dịch lớn. Đồng thời, theo dõi sát biến động giao dịch tại các máy ATM để kịp thời tiếp quỹ, không để xảy ra tình trạng ATM bị hụt tiền.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để nắm bắt được lượng tiền lương, tiền thưởng dự kiến chi trong dịp tết và bố trí cán bộ làm thêm giờ tại các điểm giao dịch phục vụ nhu cầu rút tiền mặt để giảm tải việc rút tiền tại các máy ATM. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Huế thông tin, Vietcombank cũng đã chủ động xây dựng và chuẩn bị lượng tiền mặt và cơ cấu mệnh giá hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng qua hệ thống ATM trước và trong những ngày nghỉ tết. Đồng thời, tăng cường công tác tiếp quỹ, giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ để bổ sung kịp thời, đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch tăng cao trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán; đảm bảo tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, khắc phục nhanh sự cố, đảm bảo hoạt động 24/7. Ngân hàng cũng thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ATM và các trang thiết bị tại ATM, đảm bảo ATM hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường tại máy ATM.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng khẳng định, sẽ đảm bảo cung ứng đủ lượng tiền mặt cho các tổ chức tín dụng cả về cơ cấu, về số lượng, về thời gian, tính chất để phục vụ cho người dân. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo tốt nhất cho người dân rút tiền mặt từ hệ thống ATM, phòng giao dịch...

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh

TIN MỚI

Return to top