ClockChủ Nhật, 22/12/2019 13:20

Thể hiện cuộc sống bằng ngôn ngữ hình thể

TTH - Cống hiến cho khán giả nhiều tác phẩm múa chất lượng, gần gũi với đời sống, biên đạo múa Phan Hoàng (công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế) trở thành gương mặt biên đạo trẻ tài năng, nhiệt huyết.

Tận dụng ngôn ngữ hình ảnh hết mức có thể trong tác nghiệp báo chíNgôn ngữ trong mặt nạ tuồng Huế

Biên đạo múa Phan Hoàng nhận giải thưởng VHNT Cố đô

Đam mê, tâm huyết

Với các tuyến nhân vật, gồm người, thú và miệng lưỡi thế gian, tác phẩm “Mệnh đất trời” của biên đạo múa Phan Hoàng thể hiện sự giằng co giữa cái thiện và cái ác, sự tranh giành quyền lực trong xã hội. Trong ánh đèn sân khấu mờ ảo, các nhân vật giằng co, vật lộn với nhau để tranh giành một sợi tơ trời, hay đau đớn vì bị bủa vây bởi sự ràng buộc của xã hội. Sợi tơ trắng với các động tác ăn, nhả tơ và các phức điệu chuyển hóa cũng là sự thể hiện sự ràng buộc các số phận lại với nhau. Với việc kết hợp giữa vũ đạo, đạo cụ cùng âm nhạc một cách nhuần nhuyễn, bằng những động tác dứt khoát, những gương mặt biểu cảm, “Mệnh đất trời” tạo nên hiệu ứng sân khấu mạnh mẽ, đưa khán giả đến cao trào cảm xúc, để cùng chiêm nghiệm về kiếp nhân sinh giữa đất trời.

Kéo dài gần 9 phút, “Mệnh đất trời” gần với thể loại thơ múa hơn là một tác phẩm múa đơn thuần. Với sự kết hợp độc đáo giữa ngôn ngữ hiện đại, cổ điển và ngôn ngữ phương Tây, tác phẩm tập trung phản ánh chân - thiện - mỹ. “Từ thuở hồng hoang đến khi có sự hình thành xã hội, con người luôn phải đấu tranh giữa các mặt đối lập: cái đẹp - cái xấu, cái thiện - cái ác… Trong sự giằng co ấy, cuối cùng cái thiện luôn thắng thế như một định đề có tính chân lý. Chính những chiêm nghiệm ấy từ cuộc sống giúp tôi xây dựng tác phẩm múa này”, biên đạo múa Phan Hoàng chia sẻ về ý tưởng hình thành tác phẩm.

Phan Hoàng viết kịch bản từ khi còn là sinh viên Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, “Mệnh đất trời” đánh dấu bước dấn thân của Phan Hoàng với nghệ thuật múa. Tâm huyết với tác phẩm, Hoàng dám đầu tư kinh phí may trang phục để dựng tác phẩm thể nghiệm trong thời sinh viên khốn khó. Nhưng nhờ vậy mà anh hình thành thêm ý tưởng để hoàn thiện tác phẩm.

Biên đạo múa Phan Hoàng (người đứng phía trước) dàn dựng các tác phẩm múa tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế

Dựng “Mệnh đất trời” để tham dự Hội thi tài năng biên đạo múa toàn quốc năm 2016, biên đạo múa Phan Hoàng cùng ê kíp diễn viên đã tập luyện vất vả suốt gần 3 tháng trời. Để các diễn viên múa đảm nhận được các vai diễn, Phan Hoàng phải mất thời gian đào tạo cho các diễn viên những kỹ thuật nâng cao, sắc thái biểu diễn… Anh kể: “Đây là tác phẩm múa mang tính trừu tượng, nhiều thông điệp ẩn dụ nên yêu cầu diễn viên phải có kỹ thuật biểu diễn chính xác, sắc thái điêu luyện, tuyệt đối không được sai một bước nào. Một đoạn nhạc khoảng 45 giây nhưng chúng tôi tập mất 10 ngày. Cường độ tập luyện cao, có diễn viên đã phải nhập viện vì đuối sức”.

Tâm huyết và khổ luyện đã mang đến cho Phan Hoàng những “quả ngọt”. Tác phẩm “Mệnh đất trời” đã đưa anh đến với danh hiệu tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc năm 2016, giải A của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và giải A Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VI năm 2019 ở lĩnh vực múa.

Duyên với nghề

Sinh năm 1986 tại thị xã Hương Thủy, Phan Hoàng bén duyên với nghệ thuật múa từ những đam mê dành cho văn hóa lịch sử và lễ hội truyền thống của dân tộc. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Phan Hoàng học biên đạo múa tại Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, sau đó là 5 năm theo học Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội tại TP. Hồ Chí Minh. Ra trường, Hoàng quyết định về Huế dù ở đó có nhiều cơ hội cho anh phát triển. Với năng lực sáng tạo tốt, anh được nhận vào công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế.

Tác phẩm múa do biên đạo múa Phan Hoàng dàn dựng

Hoàng tâm sự: “Tôi rất thích những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc, đặc biệt là đời sống và phong tục tập quán, muốn thể hiện những điều cảm nhận về cuộc sống thông qua nghệ thuật. Nếu nhạc sĩ thể hiện bằng ca từ, ca sĩ thể hiện bằng giọng hát, họa sĩ thể hiện bằng những bức tranh thì tôi thể hiện những điều muốn nói qua ngôn ngữ hình thể”.

Phan Hoàng nổi lên như một gương mặt xuất sắc với nhiều tác phẩm múa chất lượng. Những đề tài anh chọn cũng được lấy chất liệu từ những điều anh cảm nhận được xung quanh mình, đề cập đến những vấn đề mang tính chiều sâu, gần gũi với cuộc sống. “Vòng xoay ước mơ” gợi cho người xem những kỷ niệm của tuổi thơ, “Dòng sữa mẹ” đề cập đến sự ngọt ngào như suối nguồn của sữa mẹ, “Cung đàn mùa xuân” dùng hình ảnh cây đàn bầu để thể hiện quá trình dựng xây đất nước của người dân Việt… mỗi tác phẩm ra đời là một câu chuyện ý nghĩa được trích từ đời sống.

Phan Hoàng đặc biệt thích phong cách dân gian pha chút đương đại cá tính trong các tác phẩm anh dàn dựng. Biên đạo trẻ chia sẻ: “Tác phẩm của tôi thường mang tính ẩn dụ, so sánh nên dàn dựng để chuyển tải cho khán giả hiểu được thông điệp tác phẩm cũng không dễ dàng. Cái khó nhất của một biên đạo múa là tính tư duy, sáng tạo để tìm ra ý tưởng xây dựng một tác phẩm ấn tượng”.

Từng nhiều lần muốn bỏ nghề vì quá vất vả và khó khăn, nhưng đam mê đã níu Phan Hoàng ở lại với nghề và cũng bởi đây là công việc anh hết lòng theo đuổi.

Bài: TRANG HIỀN - Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Sướng cái bụng” khi viết được chữ dân tộc mình

Học sinh dân tộc nói tiếng Việt khá sành sỏi, nhưng lại ngập ngừng khi sử dụng tiếng mẹ đẻ. Thế nên, trong vòng 5 năm, có gần 200 học sinh học tiếng Tà Ôi, Cơ Tu và Pa Cô ở hai huyện A Lưới, Nam Đông đã đọc thông, viết thạo chữ viết dân tộc mình, khiến mọi người phấn chấn.

“Sướng cái bụng” khi viết được chữ dân tộc mình
Sân chơi cho sinh viên ngành bếp

Chiều 27/10, Trường cao đẳng Du lịch Huế phối hợp với Công ty Cholimex Foods tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm sứ giả ẩm thực xứ Huế - mùa 3”.

Sân chơi cho sinh viên ngành bếp

TIN MỚI

Return to top