ClockThứ Bảy, 16/10/2021 06:45

Thi sáng tác ảnh nhanh, sân chơi mới cho người đam mê nhiếp ảnh

TTH - Không chỉ là sân chơi cho cộng đồng người yêu nhiếp ảnh, cuộc thi sáng tác ảnh nhanh “Fotour Huế 2021” trong lần đầu tiên được tổ chức tại Huế còn là cơ hội để mỗi tác giả quảng bá du lịch, hình ảnh của Huế đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Thi ảnh nhanh marathon Huefotour 2021

Tác phẩm đoạt giải nhất “Hoa giấy Thanh Tiên - Cái tết của tuổi thơ” của Phan Văn Trung

“Fotour Huế 2021” tương đồng với cuộc thi “Canon Photo Marathon” từng được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cuộc thi chụp ảnh, chấm ảnh và trao giải ảnh chỉ diễn ra vỏn vẹn trong một ngày. “Mình biết ở Huế có rất nhiều bạn trẻ chuyên lẫn không chuyên đam mê nhiếp ảnh. Và mình tạo ra sân chơi này trên hết để các bạn thỏa niềm đam mê. Xa hơn, thông qua những bức ảnh ấy để giới thiệu, quảng bá nét đẹp của Huế đến với bạn bè, du khách gần xa”, anh Ngô Phước Tuần - Trưởng ban Tổ chức “Fotour Huế 2021”, một người trẻ ở Huế tạo ra sân chơi này chia sẻ.

Dù chỉ diễn ra trong một ngày cuối tuần giữa tháng 10, nhưng từ trước đó hiệu ứng cuộc thi đã ngay lập tức cuốn hút được nhiều người đăng ký tham gia. Đến ngày dự thi, ban tổ chức đã đưa ra hai chủ đề để các bạn đăng ký dự thi “săn ảnh”. Nhiều người quyết tâm sẽ đoạt giải, nhưng một số tay máy khác cho rằng đó là một cuộc trải nghiệm, được gặp gỡ, chia sẻ với nhau niềm đam mê nhiếp ảnh.

Từ khi nhận được chủ đề cho đến khi gửi ảnh về cho ban giám khảo, người chụp chỉ có 3 tiếng đồng hồ. Thế nên, họ phải tư duy, hình thành ý tưởng rồi rong ruổi khắp nơi để tìm ra góc ảnh ưng ý để bấm máy, gửi hình ảnh cho ban tổ chức.

Tác phẩm đoạt giải nhất “Trẻ tìm kiến thức, già tìm công nghệ” của Đỗ Hoàng Quân

Lần đầu tham dự cuộc thi, nhiều thí sinh tỏ ra “bở hơi tai” nhưng cũng thừa nhận rất thích thú. Tay máy trẻ Bùi Trường nói rằng, đây là cuộc thi mới lạ và thú vị. Những chủ đề mà ban tổ chức đưa ra rất hay, gắn với Huế. “Mình đã có một ngày rong ruổi khắp TP. Huế. Được bấm những tấm hình hay từ gợi ý bởi chủ đề của ban tổ chức và được gặp nhiều người cùng có chung sở thích, được chia sẻ với nhau về máy ảnh, kỹ thuật chụp”, Trường nói và khoe đã chụp hơn 200 tấm hình, dù chỉ gửi 1 tấm để dự thi cho 1 chủ đề.

Cũng như Trường, tay máy trẻ Hoài Nhân dù không đạt giải ở cuộc thi nhưng có một ngày chạy khắp nơi để sáng tác. “Cuộc thi diễn ra vào ngày chủ nhật mùa thu, nắng đẹp nên mình đã có một ngày lang thang, ngắm Huế bình yên, nhẹ nhàng. Những hình ảnh, khoảnh khắc đời thường tưởng chừng đơn giản, nhưng khi lọt vào ống kính đã lột tả được một nhịp sống rất riêng của Huế, không lẫn vào đâu được”, Nhân hào hứng và hy vọng sẽ có nhiều cuộc thi tương tự để có thể trải nghiệm, quảng bá Huế qua hình ảnh.

Trần Đình Đức Hiếu – tay máy chuyên chụp không ảnh lựa chọn ra làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền) để bấm một vài khoảnh khắc của làng cổ được bao quanh bởi con sông Ô Lâu tuyệt đẹp. Với Hiếu, thoát ra khỏi cuộc thi đó còn là một sự kích thích, tạo niềm hứng thú được đi, được khám phá, được hiểu hơn vùng đất nơi mình đang sống.

Cuộc thi lần đầu đã tìm ra hai giải nhất, đó là tác phẩm “Hoa giấy Thanh Tiên – Cái tết của tuổi thơ” của thí sinh Phan Văn Trung và “Trẻ tìm kiến thức, già tìm công nghệ” của thí sinh Đỗ Hoàng Quân. Ngoài ra, ban tổ chức cũng đã trao nhiều giải thưởng khác.

Đảm nhận vai trò giám khảo cho “Fotour Huế 2021”, nhiếp ảnh gia Ngô Quang Phúc đánh giá cuộc thi với thể thức sáng tác nhanh đã tạo ra sự mới mẻ. Thế nhưng nhiều tác phẩm gửi về cho thấy sự sáng tạo, bám sát chủ đề, có góc nhìn thú vị. Tuy chưa có thật sự nhiều ảnh xuất sắc nhưng đây sẽ là tiền đề cho hình thức thi sáng tác ảnh nhanh phát triển ở Huế. Ở góc nhìn khác, nhà báo - nhiếp ảnh gia Thuận Thắng (TP. Hồ Chí Minh) chấm giải trực tuyến cho rằng, trong số các tác phẩm dự thi, có nhiều ảnh mang hơi thở cuộc sống. “Tuy số lượng ảnh dự thi không nhiều nhưng nếu tiếp tục tổ chức, chắc chắn những năm tiếp theo chất lượng và số lượng ảnh dự thi được nâng cao”, nhiếp ảnh gia Thuận Thắng nhận định.

Anh Ngô Phước Tuần cho biết, cuộc thi diễn ra trong một ngày và được chia thành hai chủ đề cho hai buổi sáng, chiều. Tuy chừng ấy thời gian, nhưng đúng như tinh thần tên gọi của cuộc thi, ban tổ chức đã nhận được rất nhanh thông tin đăng ký của hơn 50 tác giả với gần 90 tác phẩm dự thi. Anh Tuần nói rằng, dù lần đầu tổ chức, công tác chuẩn bị gấp rút, diễn ra trong giải đoạn dịch bệnh nên mọi hoạt động đều trực tuyến. Dù vậy, ban tổ chức cố gắng để mang đến cho cộng đồng nhiếp ảnh Huế một sân chơi phong trào mới mẻ và hấp dẫn.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em

Phong trào rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) với nhiều loại hình phong phú của hội viên phụ nữ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế đã được các cấp Hội phát động, triển khai, duy trì và ngày càng được nhân rộng, thu hút ngày càng đông hội viên tham gia.

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em
Sân chơi của học sinh trường huyện

Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy học, Trường THPT An Lương Đông (huyện Phú Lộc) còn đặc biệt quan tâm tới việc phát triển kỹ năng và thể chất cho học sinh thông qua việc xây dựng các CLB (câu lạc bộ) trong nhà trường.

Sân chơi của học sinh trường huyện
Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ

Các cấp bộ Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) các cấp đã và đang phát triển các mô hình câu lạc bộ (CLB), tổ, đội, nhóm theo sở thích, nhu cầu của thanh niên, góp phần tạo sân chơi, môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh, định hướng lối sống đẹp cho người trẻ

Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ
Sân chơi kết nối đồng hương

Bóng đá đã trở thành sân chơi và nơi gặp gỡ, giao lưu tình cảm của những người Thừa Thiên Huế xa quê tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sân chơi kết nối đồng hương

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top