ClockThứ Năm, 04/08/2022 13:30

Thợ trẻ tiếp bước nghề mộc truyền thống Mỹ Xuyên

TTH - Lưu giữ làng nghề thủ công truyền thống đã hàng trăm năm tuổi, những nhân lực trẻ với tâm sức và tư duy làm nghề bền vững đã tiếp bước thế hệ đi trước, tiếp tục mang những sản phẩm mộc thủ công làng Mỹ Xuyên (Phong Hòa, Phong Điền) đi xa hơn.

Đi lên từ đam mê nghề truyền thốngNâng cao tay nghề cho đội ngũ điêu khắc Mỹ Xuyên

Thợ trẻ Nguyễn Hưng San thành thạo vận hành máy móc hiện đại

Từ đầu tư máy móc

Ghé thăm xưởng mộc của anh Nguyễn Hưng San, ngoài cơ ngơi rộng với gỗ các loại, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi hàng loạt các máy móc, dụng cụ phục vụ cho nghề mộc mỹ nghệ được đầu tư bài bản. Điều ngạc nhiên hơn là tất cả các công đoạn anh đều thành thạo, dù tuổi đời mới 30.

Anh San chia sẻ: “Gia đình mình có truyền thống là thợ chạm, nhưng đến mình, mối quan tâm và niềm đam mê lại dừng ở các sản phẩm gỗ nội thất. Học nghề từ năm 17 tuổi, bươn chải cả miền Nam và Tây Nguyên nhiều năm trời, những gì mình được học hỏi đều phục vụ cho niềm đam mê này”.

Trở về quê hương vào năm 2018, kết hợp với 13 năm tuổi nghề, Nguyễn Hưng San đã đầu tư thêm máy móc để tăng năng suất, đồng thời tung ra thị trường các sản phẩm đồ gỗ nội thất chất lượng. Không chỉ đầu tư máy xẻ gỗ, máy tiện, máy liên hợp làm mộc, máy cắt gỗ công nghiệp, mới đây, anh còn tậu máy điêu khắc gỗ CNC.

Nhanh nhạy vận hành chiếc máy điêu khắc gỗ có giá hơn 150 triệu đồng này, anh phân tích: “Nhờ máy điêu khắc, không chỉ công lao động giảm mà mẫu mã cũng được mình cập nhật để bắt kịp xu thế. Quan trọng nhất là dù có sự trợ sức từ máy móc, mình vẫn hoàn thiện những phần chạm khắc, đục đẽo tinh vi hoặc làm nổi hoa văn bằng tay. Bởi thế sản phẩm làm ra nhanh, nhưng vẫn đạt chất lượng cũng như thẩm mỹ”.

Với đa dạng sản phẩm từ bàn ghế, giường, tủ, sập... chất lượng và linh hoạt trong khâu sản xuất, giá thành sản phẩm của Hưng San thấp hơn 20% so với thị trường. Bởi thế, dù là tay thợ trẻ, sản phẩm mà chàng trai 9X này làm ra vẫn rất được khách hàng ưa chuộng, trong đó, đa phần đơn hàng của San đến từ các tỉnh phía nam.

Đến nâng cao tay nghề

Khác với Nguyễn Hưng San, anh Hồ Xuân Tuấn lại chọn hướng điêu khắc gỗ để gắn bó với nghề truyền thống của cha ông. Quyết tâm trở về quê hương Mỹ Xuyên từ năm 2007, anh luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm và rèn giũa tay nghề. Anh kể: “Nhiều năm theo nghề, vẫn có những lúc tôi nản lòng. Đó là giai đoạn nghề mộc gặp thăng trầm và gần đây nhất là dịch COVID-19. Gian nan nhiều lắm, nhưng chính quê hương, tiếng chạm đẽo, những hình hài nghệ thuật từ các bức tượng đã giúp tôi bám trụ và gìn giữ nghề”.

Trời chẳng phụ công, với quyết tâm luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề, mỗi sản phẩm điêu khắc anh Hồ Xuân Tuấn làm ra đều mang dáng vẻ và cái thần riêng biệt. Bởi thế, anh đã gặt hái nhiều thành công cũng như có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện nhiều năm liền.

Là tay thợ trẻ nhưng có nhiều kinh nghiệm, anh Tuấn còn truyền tình yêu nghề truyền thống của mình sang các học trò. Nhận học phí “cho có” và vào lúc kết thúc khóa học, chính phần học phí ấy sẽ trở thành món quà anh tặng cho học trò của mình khi ra nghề. Được chỉ vẽ tận tâm, nhiệt huyết, nhiều học trò của anh với tay nghề đục đẽo, chạm trổ đã “ra riêng”, mở cơ sở chế tác gỗ mỹ nghệ và sống tốt với nghề.

Hiện tại, làng mộc Mỹ Xuyên có hơn 700 nhân lực gắn bó với nghề, chưa kể con cháu của làng mang nghề lập nghiệp từ Nam ra Bắc. Mỗi hộ gia đình trong làng đều có con, em theo nghề truyền thống của cha ông. Ông Lê Văn Trực, Trưởng Ban quản lý làng nghề Mỹ Xuyên, cho biết: “Ngoài các bậc tiền bối, những người thợ trẻ với tư duy mới và cái tâm với nghề đã và đang giúp làng nghề có thêm những sản phẩm gỗ được chế tác khéo léo, mẫu mã đa dạng và thời thượng. Với truyền thống là một làng nghề lâu đời, sự kế tục của nhân lực trẻ hứa hẹn sẽ giúp sản phẩm gỗ chế tác của làng mộc Mỹ Xuyên đi xa hơn nữa”.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới

Ngày 30/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức cho 115 chiến sĩ mới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Phòng Truyền thống BĐBP tỉnh. Đây là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là chiến sĩ mới (CSM) nhập ngũ năm 2024.

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới
Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới

Chiều 14/3, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh do Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động và nói chuyện truyền thống với 115 chiến sĩ mới (CSM) đang được huấn luyện tại đơn vị.

Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới

TIN MỚI

Return to top