ClockChủ Nhật, 17/04/2022 06:50

Thong dong ngoài nội cỏ

Năm đó thanh xuân của chúng tôiSay lời gió bayMây giăng cuối trời

Bữa cơm chiều bên hiên nhà đã xong xuôi từ đời nào mà nắng trên đồng còn chưa tắt. Nhà nằm trở mặt ra ngay mé ruộng, nên má hay có thói quen hễ cơm nước xong là đi một vòng quanh đồng. Má nói, ở đó không có nhà cửa che lấp, nên trời thì rộng mà đồng thì dài, tha hồ hít thở và lắng nghe gió trời rượt đuổi nhau trên vệ cỏ. Mỗi lần đi theo má, Thảo cũng thỏa sức hít hà cái mùi đất đai ngai ngái, mùi cỏ non thơm nức và thích thú nằm dài trên đồng cỏ ngắm mặt trời đỏ lựng dần khuất sau núi. Cứ thế, bao nhiêu mệt nhoài trong lòng đều bị cơn gió đồng thơm nức cuốn đi.

Ở phố, Thảo suốt ngày phải ngồi trong bốn bức tường kín mít nơi làm việc. Trở về nhà trong căn phòng trọ cũng chật hẹp với bốn bức tường cũ kỹ, ẩm mốc. Có nhiều hôm ngồi trong phòng làm việc, nghe tiếng máy lạnh chạy rầm rì trên đầu, Thảo chẳng biết ngoài kia trời đang mưa hay nắng. Ở phố càng lâu, Thảo càng thèm cái không khí trong lành nơi quê nhà, cả cái nhịp sống chậm rãi túc tắc nơi ấy. “Cuộc sống ở quê khỏe re à. Mặt trời mọc thì ra đồng. Mặt trời lặn thì trở về nghỉ ngơi. Chứ đâu hối hả như mấy đứa ở phố. Sống gì mà cực ghê. Việc gì đâu mà ngập đầu, làm không kịp ngẩng mặt”. Má Thảo từng nói thế khi thấy Thảo tranh thủ về nhà chơi mà mắt cứ dán miết vào máy tính, còn điện thoại thì réo inh ỏi.

Nên lâu lâu về nhà, Thảo cũng hay lân la ngoài đồng, chỉ để lấp đầy những mảng xanh thiếu hụt trong lòng. Mùa này, lúa ngoài đồng vẫn đang thì con gái. Mùi lúa non tơ thanh mát khiến Thảo dừng lại bên mé ruộng, hít lấy hít để cái vị ngọt lành thoảng trong cơn gió muộn. Giờ này, dân làng mới chậm rãi từ ngoài đồng trở về. Những bóng người nhấp nhô xa xa ngoài kia đều đang hướng về làng. Hẳn trong những căn nhà nhỏ ẩn dưới những vườn cây ăn quả xanh ngắt kia, đã có mâm cơm nóng hổi đặt trên bàn. Chỉ đợi đủ người là mở ra chiếc lồng bàn thơm mùi tre nứa. Bữa cơm quê ở đây hầu như chỉ có rau trái trong vườn nhà hoặc ngoài bờ bãi, tôm cá dưới sông hoặc ngoài đồng. Mọi thứ đều dân dã bình dị, mà ngọt lành thanh sạch. Vậy nên Thảo ăn cơm khắp nơi, đâu đâu cũng không bằng bữa cơm quê ở nhà, nhất là cơm má nấu.

“Dạo này sao ruộng quê mình bỏ hoang nhiều quá ha má? Người ta bỏ ruộng hoang vậy rồi lấy gì sống má?”. Thảo hỏi má khi thấy xa phía ngoài kia, mấy thửa đất cỏ mọc um xùm. Nếu không nhìn kỹ, Thảo còn tưởng vạt cỏ xanh rì phía ấy cũng là lúa non mơn mởn. “Đất nhà ông Canh. Mấy năm nay ông ấy già rồi, chẳng còn sức để làm. Đã bỏ hoang hai năm nay rồi. Đất hoa màu người ta còn bỏ không huống gì đất ruộng. Nhìn bên kia đi, thấy không? Hồi xưa mùa này ở đó đậu xanh, đậu đỏ xanh bát ngát. Nay người ta trồng keo tràm hết rồi. Người già thì chẳng còn sức, mà đám trẻ chẳng ai mặn mà với đồng ruộng. Tụi nó thích ra thành phố, vào nhà máy làm việc hơn. Nơi đó sạch sẽ, không chân lấm tay bùn như ở quê”. Thảo nghe giọng má buồn hiu.

Hồi xưa, ở cái xứ này, nhà nào dù có khổ mấy cũng ráng cho con ăn học. Cả đời vất vả với đất đai mà chẳng giàu có gì. Nên cha mẹ chỉ muốn con mình thoát kiếp làm nông. Và rồi chính họ, lúc đứng trên chính mảnh ruộng ấy, lại xót xa khi quay đầu thấy con cháu mình chẳng còn ai mặn mà với đồng ruộng. Má Thảo cũng đã bỏ đồng bỏ ruộng từ lâu. Mấy mảnh ruộng đều cho người ta làm hết. Mảnh vườn sau nhà có mấy trăm mét là đủ để má bận rộn hết cả ngày. Trong vườn má Thảo trồng đủ thứ rau trái, thả thêm đàn gà. Có nhiêu thôi mà Thảo thấy má loay hoay suốt.

“Rồi có khi nào má thấy buồn, vì tụi con đi học rồi đi làm ở thành phố hết? Chẳng có đứa nào về lại với đồng và ở bên má?”. “Ở đâu cũng được, làm gì cũng được, miễn mấy đứa thấy vui và hạnh phúc là má cũng vui”. Má nói rồi lúi húi nhổ mấy cây rau tàu bay tím ngát bên vệ đường. Rau tàu bay luộc lên chấm với nước cá kho ăn giòn sật lại bùi bùi. Ở góc vườn, má ngăn những ô vuông để trồng rau dại nhổ ngoài đồng. Ô này trồng rau rìu rau éo, thằng Tân thích ăn nhất, cái vị giòn giòn nhớt nhớt vậy mà nó ghiền mới lạ. Ô này trồng rau tàu bay, rau mặt trời, con Liên ghiền nhất. Má nói thế khi lúi húi vun lại mấy bụi rau. Liếp tre má đã rào kín mà đám gà con vẫn chui tọt vào bươi nát bươm. “Ủa, rồi má trồng loại rau nào cho con đâu?”. “Bây dễ tính, nên cả vườn này đều dành hết cho bây”. Má cười, mấy chiếc răng đã lần lượt rụng đi nên hai má cứ móm mém. Có bận Thảo kêu để chở má đi làm bộ răng mới mà má không chịu. “Xài đồ giả chi bây, bỏ vào miệng thêm lấn cấn mắc mệt. Vậy quen rồi”. Thảo biết má sợ Thảo tốn tiền. Nhưng nói kiểu gì má cũng không nghe.

“Đợt tới giỗ ba bây, không biết thằng Thắng, con Liên có về được không? Dịch giã vậy tụi nó làm ăn có tốt không con? Lần nào gọi điện cho má, hỏi là nó xua tay, bảo má lo mần chi. Má sợ tụi bây ở thành phố, lỡ có hết tiền thì khổ. Phải chi ở quê ra vườn ngắt mớ rau là có tô canh ngọt lịm. Cá dưới sông người ta bủa lưới cũng rẻ rề. Mua cỡ chục ngàn là cả mớ to”. Thảo cười to, bảo má lo chi mấy chuyện tiền bạc. Ai cũng lớn hết, đều đã có gia đình. Má chỉ lo sống thật khỏe thôi. Mà thật ra ở phố rau cỏ, cá mú đều không ngon bằng ở quê đâu má ơi. Có điều tiền thì dễ kiếm hơn ở quê nhiều. Thảo cười mà lòng lại thấy rưng rưng.

Một năm tận 365 ngày mà anh chị Thảo mấy khi về được với má. Chỉ dịp giỗ ba, hay tết đến mới về nhà, nên má ngóng lắm. Thảo chưa lập gia đình nên hễ công việc thư thư là chạy về với má ngay. Gần cả ngàn cây số chứ ít ỏi gì, nhưng cứ nghĩ má thui thủi một mình trong căn nhà vắng hoe, có mỗi cỏ cây, đàn gà và con mèo mun làm bạn là lòng Thảo lại xót. Có mấy bận Thảo cũng định bỏ việc ở thành phố rồi trở về quê với má. Rồi má hỏi: “Bây làm kế toán, rồi về quê thì làm được gì?”. Thảo cũng nghĩ vậy nên mãi mà đã dọn về quê với má được đâu. “Mấy đứa cứ lo sống cuộc đời của mình thôi. Cũng phải bơi ra sông ra biển chứ đâu thể nhốt mình cả đời ở trong ao hồ được. Ở đây má có bà con, họ hàng, không phải lo”. “Bây giờ là thời đại nào rồi mà còn ao hồ với sông suối má ơi. Thời đại 4.0 rồi. Nông dân ở quê có thể bán hàng tận cả bên trời tây nữa đó má”. “Dữ vậy luôn hén. Vậy mà ở quê mình, có nông dân nào làm được vậy đâu. Má thấy trên ti vi người ta nói mãi về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ở quê mình trồng rau, trồng cây ăn quả, cũng toàn bón phân chuồng thôi hà, vậy đủ sạch chưa? Mà sao bán giá rẻ rề vậy bây. Má nghe nói, ở phố mà muốn ăn rau sạch giá mắc chát luôn á, phải không bây?”. “Dạ đúng rồi á má, trái sạch, sau sạch lấy đâu ra mà ăn”. “Ủa rồi đắt dữ thần vậy sao bây không về đây trồng rau mà bán. Mấy thửa đất ngoài kia má cho bây hết”. “Rồi rồi. Để con nghiên cứu xong thì về đây ở với má luôn nghe”. Thảo cười, lắc lắc cánh tay nhăn nheo của má.

Thảo nghĩ đến những ngày ở phố, trồng được một chậu cây xanh cũng vui đến quên trời đất. Nhà nào ở phố mà có mảng xanh trong phòng làm việc, trên ban công hay trước hiên nhà thì quý đừng hỏi. Mà ở quê, cây xanh biết bao nhiêu mà kể. Sáng nay, Thảo còn giúp má tỉa bớt cây trong vườn. Thảo sợ vườn um tùm quá, lại thành nhà của đám muỗi. Tối chỉ cần mở cửa sổ là muỗi bay vào đầy nhà. Mỗi lần nằm ngủ, nghe tiếng muỗi vo ve ngoài mùng Thảo cũng không chịu nổi. Má bảo, nghe cũng vui tai mà. Có lẽ nhà vắng lặng quá, nên ngay cả tiếng con muỗi vo ve cũng không khiến má thấy bực.

Trời đã bắt đầu chạng vạng, Thảo theo sau má trở vào nhà. Cánh đồng làng râm ran tiếng ếch nhái. Màu xanh của cây cỏ dần dần bị bóng đêm nuốt lấy. Và chỉ chốc nữa thôi, khi bóng tối bủa vây, thì ánh trăng trên kia mới đủ sáng để loang loáng chạy trên đồng. Thảo ngoái nhìn lại phía đồng trước khi rẽ hướng vào nhà. Đồng quê rộng thênh thang như thế, chẳng lẽ không có chỗ cho Thảo trở về?

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top