ClockChủ Nhật, 16/01/2022 14:57

Thưa mẹ con về…

TTH - Cuối năm phố lạnh và khô, những cơn gió hun hút thổi luồn trong ngõ nhỏ. Những ngày này ai cũng vội vàng, gấp gáp bởi lo toan dồn đuổi phía sau và sự sum vầy đang chờ trước mặt. Năm nay dịch bệnh, người dân chủ yếu mua bán online nên công việc của Thạo gần như không ngơi nghỉ. Lúc Thạo đang loay hoay giữa ngã tư đông đúc người xe thì điện thoại rung lên. Tiếng mẹ vọng bên tai lẫn trong tiếng gió:

Lời hẹn kế tiếpBí mật chiếc khuôn bánhChiếc răng đau

- Mẹ nghe đài báo nói tình hình dịch ở đó lại đang căng thẳng. Các con nhớ giữ gìn sức khỏe.

- Dạ! Tụi nhỏ ở nhà có ngoan không mẹ?

- Ngoan lắm, cả hai đứa mới đi học về đang rủ nhau đi hun dế ngoài vườn. Mà khi nào thì vợ chồng con về?

- Chắc chiều tối ba mươi con mới về đến nhà mẹ ạ. Con cố gắng cày cuốc thêm dịp tết. Mà các shop quen đều nhiều đơn hàng, muốn nghỉ sớm cũng không được ạ. Nhỡ hết việc của người ta. À! Để lát con tranh thủ chuyển ít tiền về để mẹ mua sắm tết.

- Thôi khỏi. Mẹ đâu cần mua bán gì nhiều, đi một phiên chợ là đủ cả. Các con làm gì thì làm, nhưng nhớ phải ăn ngủ đầy đủ nghe không?

Tiếng “dạ” của Thạo chìm nghỉm bởi còi xe giờ tan tầm. Nhưng anh nghe thấy rõ tiếng gà mẹ cục con trong sân nhà mình. Tâm trí anh mường tượng ra những chú gà con lông vàng óng líu ríu chạy theo chân mẹ. Vẳng đâu đó là tiếng cười khúc khích của hai đứa nhỏ khi dồn theo con mèo, khi rình đàn chim sâu lích chích nhảy trong tán cây đào già trước nhà. Bấy nhiêu thứ âm thanh thân thuộc vang lên trong đầu Thạo đủ để xoa dịu bớt bao cực nhọc. Lâu lắm rồi, hai vợ chồng Thạo chưa về quê thăm mẹ già, con nhỏ. Dịch bệnh liên miên, hết phố giãn cách lại đến quê nhà phong tỏa. Đến lúc cả xã hội xác định sống chung với dịch thì năm hết tết đến, vợ chồng động viên nhau cố gắng làm ăn. Vài khoản nợ cần trả, tiền học của con cũng đến lúc phải đóng.

Thạo còn muốn sang năm được tuổi, tích cóp để lợp lại mái nhà cho mẹ. Có thế vợ chồng anh mới yên tâm đi làm ăn xa. Chứ giờ cứ nghe dự báo thời tiết quê nhà mưa to là thương mấy bà cháu ở nhà xoay xở. Mái nhà cũ lợp bro xi - măng đã lâu, lại thêm mấy cây xoài rụng lá. Thạo vắng suốt, không ai trèo lên mái quét lá nên ngày càng thấm dột. Đã mấy lần Thạo định chặt bớt cành cây nhưng mẹ không chịu. Mẹ nói: “Cả đời mẹ trồng cây để tuổi già hưởng bóng mát. Mùa hè nóng nực, may có mấy cây xoài tỏa bóng, trong nhà thì mát mà ngoài sân cũng có chỗ cho các cháu chạy chơi”.

Hai vợ chồng Thạo xuống phố kiếm kế sinh nhai cũng gần chục năm. Trải qua biết bao công việc, cuối cùng Thạo giờ gắn bó với cộng việc shipper, còn Sương thì có một sạp hàng nhỏ bán hoa quả trong chợ. Cuối năm hàng hóa nhiều, Sương nhập thêm cả bánh kẹo về bán. Những lúc đông khách bận rộn tay chân, đầu óc cũng chẳng kịp nghĩ ngợi gì nhiều. Thỉnh thoảng vắng khách, Sương hay lặng người khi nhìn theo bước chân líu ríu của mấy đứa nhỏ theo mẹ, theo bà đi chợ tết. Tiếng trẻ líu lo đòi mua cái này cái kia khiến Sương nhớ con thắt ruột.

Đêm nào Sương cũng mang áo của con ra hít hà cho dễ ngủ. Lâu quá rồi Sương chưa về nhà, chị thèm được nấu cho con những bữa cơm ngon. Thèm đón chúng từ trường về nhà, tối chỉ nhau học bài, càm ràm sao chữ này viết xấu, sao bài toán này làm sai, sao câu này đọc còn ngọng thế? Thèm kỳ cọ đôi tay con lúc nào cũng đầy cát bụi. Thèm yêu thương, mắng mỏ mỗi sớm mỗi chiều. Ở phố, có lúc ăn một miếng ngon cũng nhớ đến mẹ già, con nhỏ. Dù mẹ chồng Sương hay bảo: “Tụi nhỏ ở nhà chẳng thiếu thứ gì. Hoa quả ngoài vườn mùa nào thức ấy. Thức ăn thì cá dưới ao, gà ngoài chuồng, rau cỏ sẵn trong vườn. Toàn đồ nhà làm ra không lo độc hại”. Sương biết vậy, mà thương vẫn cứ thương…

Có đêm trở gió nghe tiếng ho của người già vọng đâu đó trong ngõ phố, Thạo nghĩ đến mẹ mình. Bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi mấy chị em Thạo nên người. Đời mẹ chưa bao giờ hết lo, không đêm nào ngủ cho trọn vẹn. Hết lo cho con cái học hành, xin việc, dựng vợ gả chồng rồi lại đến lo cho từng đứa cháu. Cháu ngoại vừa lớn thì cháu nội ra đời. Mẹ giờ cũng đã gần bảy mươi, chẳng cần trái gió trở trời thì chân tay, vai gáy vẫn thường đau nhức. Đã nhiều lần Thạo nghĩ đến việc về quê để gần gũi chăm nom mẹ già và dạy dỗ các con. Nhưng Sương nói: “Cố thêm chút nữa, cóp nhặt lấy chút vốn rồi về”.

Tháng chạp trôi đi nhanh quá. Mới hôm nào phố còn đủng đỉnh mà mấy ngày nay nhìn đâu cũng tất bật, vội vàng. Thạo chở tết của mọi nhà trên chiếc xe máy của mình. Từng cây đào, cây quất, bánh chưng, hũ dưa hành, bát thịt đông… người ở phố thường hay mua sẵn. Chẳng như những người đàn bà ở quê thứ gì cũng tự tay làm. Họ chọn từng cái lá dong, cân gạo nếp, chẻ từng cái lạt. Để được vại dưa hành mẹ phải ngồi bóc vỏ cay xè cả mắt. Để có món mứt dứa, mứt gừng ngọt cay trên đầu lưỡi con thì tóc mẹ ủ đầy khói bếp. Đối với những đứa trẻ mang gốc gác quê nhà như Thạo thì ăn quà sáng quanh năm cũng không bằng cắn miếng bánh chưng ngày tết. Bởi cảm giác háo hức được mẹ đánh thức dậy vớt bánh, sau một đêm mấy anh em trải chiếu nằm quây quanh bếp lửa. Mùi nước luộc bánh, mùi lá dong, gạo nếp dễ chịu đến khó tả. Dưới đống than khều ra thơm lừng mùi của sắn, ngô vừa vùi xuống. Bánh mới vớt mẹ chọn hai chiếc đẹp nhất đặt lên bàn thờ tổ tiên. Rồi mẹ vội vàng bóc chiếc bánh nóng hổi vui vẻ nhìn đàn con hí háu ngồi chờ.

Chiều hai bảy tết, mẹ điện lên dặn: “Ở nhà mẹ chuẩn bị cả rồi không thiếu gì cả, đừng mua chi tốn kém. Đường sá ngày tết đông đúc lắm, các con cứ đi về nhẹ nhàng cho yên tâm”. Mẹ dặn thế, nhưng Sương vẫn tranh thủ chạy sang hàng quần áo chọn mấy bộ đồ mới cho con. Chị sờ từng chiếc áo, mường tượng ra con mình mặc vào trông sẽ thế nào. Sương không quên chọn một chiếc áo dài nhung thật đẹp để mẹ mặc đi lễ chùa đầu xuân. Tuổi nào cũng vậy thôi, đều háo hức trước một manh áo mới ngày tết đến. Thỉnh thoảng tiện cung đường, Thạo ghé qua sạp hàng của vợ mang cho tô phở nóng, cốc nước cam. Nhìn hàng hóa trên xe chồng thì đầy, dưới sạp vợ thì vơi là lòng hai đứa vui khôn tả. Ngồi ở góc chợ ngửi hương mùi già đâu đó thoảng lại mà cồn cào nhớ mảnh sân quê. Giờ này trong làng đi đâu cũng thấy hỏi nhau chia thịt lợn nhà ai? Đã mua đào, quất chưa? Năm nay gói mấy cân gạo bánh? Tụi nhỏ chắc ngày nào cũng hỏi bà “bao giờ thì bố mẹ cháu về?”. Chỉ nghĩ đến đó thôi mà nôn nao quá!

***

Đường về quê ngày tết thênh thang gió, nắng xuân ấm ran vai áo phủ bụi đường. Người chở phố về quê, người chở quê xuống phố. Có chú gà ngơ ngác cất tiếng gáy lạc bầy giữa đường phố ngược xuôi. Có màu của đào, mai thắm trên tay thiếu nữ. Nhìn hành trang của một người nào đó vừa lướt qua nhau, Sương thấy dấu vết của yêu thương trong con búp bê, chiếc xe tập đi và vài món đồ chơi con nít. Thạo chỉ về phía bờ sông, từng đám cải nở hoa vàng rực rỡ. Bên đường nhà ai đó đang sắp mâm cúng tất niên, mùi của tết xộc ra từ những căn bếp nhỏ. Quê nhà mỗi lúc một gần hơn, đoạn đường dài hơn trăm cây số ấm dần lên bởi ý nghĩ chỉ một lúc nữa thôi là đã được sum vầy. Xe vừa dừng ở cổng tụi nhỏ đã ùa ra. Sương dụi mặt vào ngực con hít hà cho bõ bao thương nhớ. Chị mỉm cười khi thấy trên đôi tay bé nhỏ của con còn dính vài hạt đường từ mứt gừng, mứt lạc. Mẹ từ bếp đi ra, khói bay đầy trên tóc, nheo mắt hỏi:

- Đi đường xa có mệt lắm không con? Mẹ đun sẵn nồi nước tắm tất niên. Hai đứa vào tắm đi cho ấm.

Thạo chạy lại nắm lấy bàn tay mẹ, rưng rưng bảo: “Thưa mẹ. Chúng con đã về đây”. Sương lặng người nhìn theo khoảnh khắc ấy, chị như thấy cả mùa xuân vừa mới ùa về…

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top