ClockChủ Nhật, 19/06/2022 20:55

Thương lắm quê tôi

Ba & con gáiBé SữaDưới tán cây lộc vừngNami mùa cây vàng lá

Lâu lắm rồi, Mai mới nghe thấy tiếng chuông chùa ngân vang vào khoảng không bất tận. Mẹ khóc hết nước mắt, còn bố ngồi lầm lỳ trên phản gỗ. Dù không nhìn ra ngoài nhưng Mai biết cả làng đang ngấp nghé ngoài bờ rào thi nhau bàn tán. Mai lặng lẽ cúi mặt, chiếc ba lô nặng trịch như tảng đá ong đang đè nặng lên đôi vai bé nhỏ và tâm trí của cô. Làng quê đã lùi lại phía sau, con đường phía trước xa tít tắp. Chỉ nước mắt là ở rất gần…

* * *

Ngày xưa…

Cả làng vẫn gọi Mai đầy thân yêu bằng cái tên: “Cô nhà báo tương lai”. Mỗi lần trở về quê, tối đến nhà lại đông khách đến nỗi mẹ đi ra, đi vào vẫn không pha kịp nước chè. Nhiều lúc hai mẹ con ngồi bên nhau, mẹ vẫn dặn Mai rằng:

- Con đi học xa được bao bọc bằng tình yêu thương của bà con, chòm xóm. Phải cố gắng đừng để mang tai tiếng gì về làng. Cả xóm chỉ có mỗi con là được đi học đại học thôi đấy.

Mai mang niềm tin đó bay xa với niềm kiêu hãnh của một cô gái đồng rừng vượt qua dãy núi cao, đón ánh mặt trời. Một mình Mai bươn chải giữa thành phố xa lạ, thân con gái đi đêm về hôm khắp các ngõ ngách tìm kiếm đề tài để viết.

* * *

Đất nước đang đổi mới trên tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Phơi phới trong niềm vui ấy Mai được tòa báo mà cô kiến tập cử đi viết bài ở một số địa phương. Mai lại hăm hở lên đường. Sau những chuyến đi dài ngày đầy mệt mỏi, Mai quyết định tự thưởng cho mình một chuyến về quê vào đúng mùa tu hú gọi. Nhưng tu hú đã đi tìm chỗ trốn vì đất đai quê cô cũng đã được đưa vào quy hoạch.

Người dân quê Mai không còn nhắc đến mùa vụ hay thời tiết nữa. Thay vào đó là câu chuyện quy hoạch, chuyện đền bù, chuyện thiệt hơn từng thước đất. Mai ngồi một mình một góc, cô thấy mình lạc lõng giữa bao câu chuyện đời thường xảy ra trên chính quê hương mình.

Sáng sớm, trước khi dắt xe ra khỏi nhà mẹ đã ngó vào phòng Mai dặn:

- Mẹ đi chợ mua ít xoài giống, con xuống tràn lạc trước nhà phụ em đào ít hố cây nhé.

 Dưới đồng nhiều người cũng đang vác cuốc bổ hố, trồng cây. Mai thấy những hố cây được bổ rất nông, chỉ đủ đất để vùi tạm gốc cây xuống ruộng nên hỏi đứa em:

- Sao mọi người lại trồng nhiều cây ăn quả trên đất trồng hoa màu thế này em?

- Chị là nhà báo mà chẳng hiểu thế sự gì cả. Trồng để người ta đi kiểm đếm, để được đền bù nhiều tiền chứ sao nữa.

- Thế ai cũng làm thế này thì Nhà nước chết dở à?

- Úi dào! Hơi đâu mà lo cho Nhà nước.

Mai im lặng, thấy những lời bàn tán vẫn văng vẳng bên tai:

- Nhà em trồng bốn trăm cây xoài, vị chi là tám trăm nghìn tiền giống. Nếu mà Nhà nước đền bù cũng lãi được mấy triệu bác ạ.

Những nhát cuốc vẫn bổ xuống đều đều, tiếng bàn tán vẫn vang lên trong buổi trưa nắng gắt. Mai ngẩng mặt lau mồ hôi đang chảy dài xuống cổ, tự nhiên thấy buổi trưa ở quê sao mà ngột ngạt đến thế, xa lạ thế…

* * *

Sáng sớm!

Khi Mai đang chuẩn bị đồ đạc để ra tàu lên Hà Nội thì điện thoại rung lên bần bật. Mai bấm nghe, đầu dây bên kia giọng ồm ồm:

- Alô! Mai à! Em đang ở đâu đấy?

- Em đang ở quê, có chuyện gì không anh?

- Tốt quá. Anh đang định gọi điện bảo em về viết ngay vụ người dân quê em đang đua nhau xây nhà, trồng cây chờ đền bù. Những người làm dự án quê em đang nhờ báo chí vào cuộc đấy.

Mai thở dài rồi lấy cớ từ chối khéo:

- Anh cử người khác viết đi, em không tiện viết.

- Không được. Em phải viết, đấy là công việc mà tòa soạn giao cho em trước khi kết thúc thời gian kiến tập đấy. Em cố làm cho tốt.

Mai thấy hai tai ù đi, biết viết gì đây khi mà chính người thân của cô vẫn đang hùng hục đào hố trồng cây dưới ruộng. Chưa bao giờ Mai nghĩ mình sẽ làm tổn thương những người dân quê mình. Dù Mai không đồng ý trước những việc mà cha mẹ và người dân nơi đây đang làm nhưng cô thương họ. Thương cuộc sống nhọc nhằn đã làm cho con người không thể nghĩ xa hơn những cơm áo, gạo tiền thường nhật.

Còn đang mải suy nghĩ vẩn vơ đã thấy thằng em phăng phăng chạy lại giật lấy cái máy ảnh trên tay cô. Nó ghé sát vào tai nói:

- Chị làm cái gì đấy. Sao không đi còn ở nhà làm gì, chị định viết cái gì ở cái xó xỉnh này.

Mai cáu quá giật phăng lại chiếc máy ảnh từ tay thằng em:

- Ai bảo dân mình làm ăn linh tinh, ai cũng làm ăn như thế người ta lấy đâu ra mà đền bù.

- Chị cứ đi mà lo cho người ta. Chị đi về ngay đi, đừng để dân làng biết chị đang định viết bài bêu xấu. Đến lúc ấy chính chị đang bôi tro, trát trấu vào mặt bố mẹ đấy.

Mai tức tưởi chạy về nhà, úp mặt xuống chăn khóc. Cô chỉ muốn vác ba lô đi khỏi quê ngay lúc này, càng nhanh càng tốt để khỏi phải đặt mình trong tình cảnh khó xử này. Nhưng bước chân cô nặng trịch, có phải chăng đấy là tiếng gọi của sự thật và lẽ phải?

* * *

Xã về kiểm đếm vào lúc xế trưa. Cả cánh đồng ồn ã khác thường. Tiếng cười nói, tiếng cáu gắt, tiếng văng tục, chửi bậy ầm ĩ… Xã không chịu kiểm đếm bồi thường cho những gốc cây mới trồng trong vài ngày trước mà chỉ đền bù cho những cây trồng trước một vài tháng. Ban đầu chỉ là tiếng năn nỉ:

- Thôi đi mà các chú. Có mất cái gì của các chú đâu, thôi thì các chú thương thì dân nhờ vậy.

Sau một hồi thì tiếng dọa nạt vang lên:

- Còn phải nhìn mặt nhau nhiều đấy, cứ liệu mà hành xử.

Cuộc tranh cãi kéo dài đến gần chiều tối. Điện thoại lại rung, bên kia đầu dây lại giục:

- Em viết nhanh lên đấy, ngày mai em phải có bài chuyển về tòa soạn.

Mai cúp máy, lại cảm giác ngột ngạt làm cô khó thở. Cô về nhà, bật máy tính viết, nhưng không thể nào viết nổi. Dưới đồng vang lên tiếng xô xát. Vừa chạy xuống đường cô đã thấy người dân đang đuổi đánh mấy người trong dự án quy hoạch, hốt hoảng quá Mai níu tay bố hỏi:

- Sao lại xảy ra chuyện này hả bố? Bố ngăn họ lại đi, tại sao lại đánh người ta như thế. Bố ngăn lại đi bố.

- Chúng nó tưởng thích bắt nạt dân thế nào cũng được đấy à? Bao nhiêu công sức của người ta mà chúng nó định cướp trắng của dân.

- Tại dân mình cứ trồng thật nhiều đòi đền bù chứ có tại họ đâu. Họ cũng phải làm nhiệm vụ của họ chứ. Họ lấy đất của mình thì họ đã đền bù thỏa đáng theo giá Nhà nước. Lại còn mỗi nhà mất đất được một suất vào nhà máy làm việc rồi còn gì nữa. Mình cũng đừng làm khó người ta chứ bố.

Bố Mai lừ mắt quát:

- Mày định dạy khôn bố mày đấy à? Ba cái cây này thì ăn thua gì, sao bao nhiêu nhà nó còn xây nhà tạm bợ, xây mộ giả, đào ao giả kia thì không đi mà dò xét. Cái phải đến tiền tỷ thì không nói đến, mấy cái cây này ăn nhằm gì mà chúng nó cũng phải làm khó dân.

Mai ức nghẹn trong cổ họng, nhìn người thân và dân làng có những hành động sai trái mà không làm gì được. Bố đi làm về, hằm hằm vứt cuốc trước sân quát với vào:

- Con Mai đâu rồi, ra đây tao bảo. Người ta đang đồn ầm dưới đồng là tại mày viết báo mà dân mình bây giờ mới phải gánh hậu quả đấy. Bố thì bố không tin, nhưng người ta bảo thấy mày quanh quẩn chụp ảnh, rồi thì mấy ông trên xã lôi cả trên huyện về mới làm tanh bành ra thế. Người ta đang chửi vào mặt bố mẹ là mày “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” đấy. Sao mày lại ngu thế hả con?

Mai im lặng, tự nhiên cơn uất ức nghèn nghẹn đang tràn lên cổ họng bật thành tiếng khóc.

* * *

Mẹ khóc sụt sùi trong buồng, ngoài sân tiếng chó vẫn cắn rát tai. Bố đã tắt điện ngồi giữa nhà. Qua ánh trăng rọi vào khung cửa sổ, Mai thấy bố ngồi lênh khênh bóng tạc vào tường. Thằng em thò đầu ra gắt Mai:

- Chị còn không đi ngủ, mai nhớ mà dậy đi sớm. Em đã bảo rồi mà không nghe. Chị làm thế nào mà để mấy ông trên huyện về nói với mọi người là có nhà báo đang theo dõi tình hình kiểm kê, đền bù của xã. Đấy! Họ bảo thế thì làm sao dân nó không đổ lên đầu chị.

Mai vẫn im lặng. Không muốn giải thích bất cứ điều gì, đêm dài thăm thẳm… Mai bỗng giật mình vì tiếng gà gáy sang canh. Ngày mai, ngày mai cô sẽ phải ra đi, nó không giống như những lần ra đi trước.

* * *

Nghe thấy tiếng còi tàu vọng lại bỗng nhiên Mai thấy nặng lòng với mảnh đất quê hương này quá. Ra đi lần này chẳng biết bao lâu sau mới lại trở về… Nhìn những ngôi nhà đang xây vội vã, nhìn những đoàn người đi xây mộ giả trong đêm đã lũ lượt kéo nhau về, tất cả như vẫn đang cố gắng cho đợt kiểm đếm cuối cùng này. Một nỗi chua xót tràn dâng lên trên khóe mắt. Sự vấp ngã ở bất cứ đâu cũng làm con người ta đau nhưng có lẽ sự vấp ngã ở chính quê hương mình lại làm người ta đau nhất. Dẫu vậy Mai vẫn tin vào cuộc đời này, tin vào sự đổi thay của thời gian. Tin rồi đến một ngày người dân quê cô sẽ nhận ra đúng sai. Bởi trong họ vẫn luôn chảy dòng máu của những người nông dân chân chất và lương thiện.

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”

TIN MỚI

Return to top