ClockThứ Sáu, 04/05/2018 09:47

Tính cộng đồng được phát huy tối đa

TTH - Sau sáu ngày đêm sôi động, với hàng trăm chương trình, lễ hội, suất diễn, Festival Huế lần thứ 10 - năm 2018 đã thành công, tiếp tục khẳng định thương hiệu một lễ hội hàng đầu. Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban tổ chức (BTC) Festival Huế 2018.

Những con số ấn tượng về Festival Huế 2018Tour đầu Festival Huế 2018: Công chúng hài lòngKhai mạc Festival Huế 2018: Lung linh sắc màu văn hóaFestival Huế 2018 dưới góc nhìn của nghệ sĩ quốc tếFestival Huế 2018: Ngập tràn cảm xúc lễ hội

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban tổ chức Festival Huế 2018

Theo ông, thành công nhất của Festival Huế lần này là gì?

Lễ hội đường phố năm nay nhận được lời khen ngợi của công chúng và du khách. Qua nhiều năm, đây là lần tổ chức thành công nhất. Có được kết quả này, là nhờ có sự tham gia đông đảo của các đoàn nghệ thuật, sắc màu nghệ thuật phong phú, đa dạng hơn. Định hướng ngay từ ban đầu của BTC làm sao đó mở rộng được đối tượng tham gia. Việc tổ chức trên nhiều tuyến phố khác nhau, trong tất cả các buổi chiều tạo nhiều điều kiện để Nhân dân và du khách có thể tiếp cận. Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy, chiều  nào cũng có đến mấy chục ngàn người đi xem lễ hội.

Chương trình “Văn hiến Kinh kỳ”, mặc dù ban đầu BTC và giới chuyên môn khá e ngại vì loại hình nghệ thuật này còn kén người thưởng thức. Trên thực tế hoàn toàn ngược lại, có thể đêm diễn đầu tiên khán giả đến vì tò mò, sang đêm thứ hai, khách đến quá đông, không có chỗ để xem, đó là nhờ sự hấp dẫn của chương trình. Chương trình “Âm vọng sông Hương” cũng thế, khán giả đến rất đông. Theo đánh giá ban đầu trong đêm tổng duyệt, về mặt trang trí, cảnh trí rất hấp dẫn, nhưng lo ngại hình thức hát dân ca, câu chuyện đời thường sẽ không đủ sức thu hút khán giả. Chương trình “Âm nhạc Trịnh Công Sơn”, mặc dù thời tiết không ủng hộ, song sức hút của vẫn không hề giảm sút…

Các chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật, hầu hết đều đông khán giả. Cụ thể như các chương trình cho giới trẻ ở Cung An Định, sân khấu Bia Quốc Học, các sân khấu trong Đại Nội… Đến thời điểm này, BTC chưa nhận ý kiến trái chiều nào từ khán giả và công chúng về chất lượng của các chương trình.

“Sứ mệnh” diễn đàn giao lưu văn hóa được thực hiện như thế nào?  

Mục tiêu trên hết của Festival Huế là quảng bá văn hóa, vốn sống của Huế. Song song với nhiệm vụ này là dịp để quảng bá các di sản, văn hóa của nhiều vùng miền trong cả nước; tạo diễn đàn cho các nước giao lưu. Qua các kỳ và nhất là năm nay, những quốc gia thường xuyên tham gia và cử các đoàn nghệ thuật chất lượng cao là những nước quan tâm nhất diễn đàn văn hóa này. Đó là lý do mà Bộ Ngoại giao đánh giá rất cao Festival Huế.

Festival năm nay quy tụ 24 đoàn nghệ thuật đến từ 19 quốc gia trên thế giới, cùng với đó là 15 nhà hát, đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ trong nước. Festival Huế 2018 đa dạng các loại hình nghệ thuật hơn, song phần lớn vẫn là nghệ thuật truyền thống, văn hóa đặc trưng nhất của các quốc gia cùng quy tụ về Huế.

Festival Huế tiếp tục thành công khi là diễn đàn để các nước đến giao lưu

Rất vui mừng khi trong khuôn khổ Festival Huế 2018, BTC đón tiếp Liên đoàn Dân gian thế giới, gồm những chủ tịch các festival lớn khác nhau trên thế giới; trong đó, chủ yếu là ở châu Âu. Họ không ngờ rằng, ở Việt Nam, ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có một thành phố khác tổ chức lễ hội quy mô như thế. Sau khi hòa vào lễ hội, liên đoàn đã đặt vấn đề muốn hợp tác với Festival Huế. Sau Festival Huế 2018, BTC sẽ tích cực làm việc, nếu được kết nạp vào diễn đàn các lễ hội lớn này, uy tín và thương hiệu của Festival Huế sẽ được lan tỏa.

Được đánh giá cao nhất tại Festival Huế 2018 vẫn là tính cộng đồng...?

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây hai vấn đề, thứ nhất là những chương trình do BTC thực hiện. Định hướng của BTC, càng ngày đưa các chương trình ra với cộng đồng, cân đối các hoạt động để phục vụ công chúng, phục vụ nhiều đối tượng khán giả có nhu cầu những loại hình nghệ thuật đặc thù khác nhau. Năm nay, số lượng các sân khấu IN bằng với số lượng các chương trình OFF. Ngoài các sân khấu cộng đồng ở TP. Huế, BTC chủ động đưa các đoàn nghệ thuật về các huyện, thị xã để người dân vùng xa cũng được hưởng thụ.

Thứ hai là, các hoạt động của các đơn vị xã hội hóa, các tổ chức nghề nghiệp tham gia, được thực hiện hoàn toàn tự nguyện. Quy mô và chất lượng các chương trình rất cao, họ thực sự làm chủ festival.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Để “đong đếm” chất lượng, trước tiên phải kể đến tiểu sử, quá trình hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật. Hầu hết các Đại sứ quán rất xem trọng diễn dàn Festival Huế khi lựa chọn những đoàn mang sắc thái đặc trưng của đất nước họ. Một số nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật để đến Huế phải tốn chi phí lớn, vượt xa quy định về kinh phí được cấp mà họ vẫn quyết tâm đến.

Các đoàn tham gia biểu diễn tại Festival Huế lần này là những đại diện tiêu biểu của các đất nước. Cụ thể như hai đoàn của Pháp, họ đã giành các giải thưởng lớn; ca sĩ Noa của Israel là “diva” thế giới; ca sĩ của Úc cũng là “diva” hàng đầu ở đất nước “chuột túi”; đoàn nghệ thuật Mexico, Trung Quốc, Ba Lan… thường xuyên đại diện cho các nước đi biểu diễn ở các festival quốc tế.

Còn hạn chế, nó thể hiện ở yếu tố nào trong Festival Huế lần này, theo ông?

Về mặt nghệ thuật, chất lượng thì không bàn cãi, nhưng khả năng đáp ứng những yêu cầu cho những đoàn đẳng cấp cao vẫn còn hạn chế. Chỉ những có đoàn hiểu được khó khăn đó của BTC mới có thể đến với Festival Huế.

Việc huy động nguồn lực tại Festival Huế 2018 khá khó khăn, kéo theo ảnh hưởng khá nhiều đến công tác chuẩn bị và tổ chức. Công tác quảng bá cũng ảnh hưởng, có phần không kịp so với kế hoạch đề ra. Đó là những hạn chế cần được chủ động khắc phục trong những kỳ festival tiếp theo.

Ông có thể cho biết được không về những dự kiến ở festival lần thứ 11?

BTC xác định, chu kỳ tổ chức hai năm một lần sẽ được giữ nguyên, và chắc chắn lần thứ 11 sẽ được tổ chức vào năm 2020.

Nội dung cho Festival Huế thứ 11 hiện vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng chắc chắn, kỳ festival tới, việc duy trì và mở rộng tính cộng đồng sẽ được BTC ưu tiên hàng đầu; công tác xã hội hóa tiếp tục được thực hiện; chất lượng các chương trình phải được nâng cao. Với quy mô 6 ngày, BTC nhận thấy đây là định lượng vừa đủ cho sân khấu, lượng đoàn, số suất diễn ổn định và sẽ duy trì khung đó.

Hiện nay, hầu hết các lễ hội tập trung vào các ngày nghỉ lễ dài ngày để tổ chức. Như năm nay, hầu hết địa phương trong nước đều có hoạt động lễ hội, sự kiện lớn trong dịp 30/4 và 1/5, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên chức, Nhân dân vui chơi trong những ngày lễ. BTC nhận thấy, tổ chức dịp này sẽ đa dạng khách và tạo sân chơi tốt hơn khi khách đến Huế..

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

QUANG SANG (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch lễ hội: Nỗi lo khách một, chủ nhà mười

Không ít quốc gia trên thế giới làm giàu từ du lịch lễ hội, hoặc khẳng định thương hiệu nhờ lễ hội. Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng có không ít lễ hội được tổ chức, nhất là dịp đầu năm, nhưng quan trọng là làm sao khai thác hiệu quả.

Du lịch lễ hội Nỗi lo khách một, chủ nhà mười
Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống hồ sơ khoa học về các lễ hội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các giá trị của lễ hội, lựa chọn để quảng bá những nét đẹp, hạn chế những lễ hội có những hình ảnh phản cảm.

Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế
Return to top