ClockThứ Bảy, 06/01/2018 05:51

Trúc chỉ: Lan tỏa giá trị

TTH - Mong muốn đưa Trúc chỉ vào đời sống như là một giá trị được chấp nhận, triển lãm “Hành trình Trúc chỉ lần 1” - kết quả của workshop diễn ra trước đó, không phải là điểm dừng kết thúc một dự án mà là sự khởi đầu của một hành trình...

Nghệ thuật Trúc chỉ vươn ra thế giớiCùng em trải nghiệm sáng tạo trúc chỉ

Các họa sĩ sáng tạo với Trúc chỉ

Hứng khởi

Suốt cả tuần diễn ra workshop “Hành trình Trúc chỉ” (9 - 16/12), không gian của vườn Trúc chỉ (số 5 Thạch Hãn, TP. Huế) và không gian Bộ môn Đồ họa - Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế luôn nhộn nhịp và sôi động bởi không khí làm việc khẩn trương. Không phải vì sợ không kịp tiến độ mà người tham gia bị cuốn hút một cách tự nhiên, không cưỡng được. Chỉ trong một tuần, 35 tác giả, trong đó có 25 họa sĩ, 10 sinh viên Mỹ thuật ứng dụng và Kiến trúc - Đại học Huế đã cho ra đời 132 tác phẩm nghệ thuật Trúc chỉ.

Phần lớn những người tham gia workshop đều lần đầu tiên tiếp xúc với Trúc chỉ. Ban đầu là tò mò tìm hiểu một chất liệu mới, dần dà họ bị cuốn hút và làm việc đầy say mê. Họa sĩ Công Tằng Tôn Nữ Tuyết Mai, dù đã 75 tuổi, vẫn say sưa làm tranh Trúc chỉ đến quên ăn, hay họa sĩ Đặng Mậu Tựu là người sáng tác tác phẩm nhiều nhất, họa sĩ Phạm Trinh với những tác phẩm đĩnh đạc... đã cho thấy sức lôi cuốn của nghệ thuật Trúc chỉ.

Đến với nghệ thuật Trúc chỉ, các sinh viên, họa sĩ được tự tay trải nghiệm công đoạn seo giấy và kỹ thuật Đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy. Với họa sĩ Đăng Mậu Tựu, đây là điều thú vị: “Mới đầu thấy Trúc chỉ khó, quen rồi lại thích. Khi làm xong một tác phẩm, tôi rất hứng khởi, thú vị. Khác với loại hình khác, chúng tôi có thể tạo hình ngay trên tờ giấy, từ đó nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để tôi khám phá thêm một chất liệu mới và khám phá chính mình”.

Với các bạn sinh viên, nhất là sinh viên mỹ thuật, Trúc chỉ dường như là cái tên quen mà lạ. Bảo Ngân, sinh viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế thú thật: “Dù Trúc chỉ ra đời ngay trong trường nhưng em cũng chỉ mới biết sơ qua. Workshop lần này là cơ hội để tìm hiểu một chất liệu mới đặc trưng của Huế, của Việt Nam. Hiểu thêm về kỹ thuật làm giấy, tự mình seo giấy, dùng áp lực nước để vẽ tranh... là trải nghiệm cuốn hút em. Em học thiết kế đồ họa nên định sẽ dùng Trúc chỉ làm chất liệu thể hiện nhiều bài học, dự án trong tương lai, nhất là sử dụng Trúc chỉ để thiết kế các poster”.

Khởi đầu một hành trình mới

Những sáng tác trong workshop “Hành trình Trúc chỉ” được trình làng trong triển lãm cùng tên diễn ra từ ngày 26/12/2017 đến 5/1/2018 tại phòng triển lãm của Khách sạn Imperial. 132 tác phẩm, trong đó có 47 tác phẩm của họa sĩ và 85 tác phẩm của sinh viên với nhiều chủ đề, sắc thái biểu đạt phong phú mang đến cho người xem sự mới mẻ, linh hoạt từ chất liệu, phương thức thể hiện cho đến các hiệu ứng với ánh sáng, nhất là hơi hướng và tinh thần của truyền thống.

Họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật, người sáng lập dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam chia sẻ: “Ưu thế của Trúc chỉ là sự linh hoạt trong biểu hiện, tạo ra những lớp lang, sắc độ, đặc biệt là tương tác với ánh sáng nên tác phẩm luôn thu hút. Cho dù người mới bắt đầu hay làm việc đã lâu với Trúc chỉ đều có thể tạo ra những biểu hiện rất linh hoạt”.

Khác với những triển lãm trước gồm những tác phẩm do họa sĩ của Trúc chỉ sáng tạo, triển lãm “Hành trình Trúc chỉ lần 1” tập trung giới thiệu tác phẩm của các họa sĩ sinh sống và làm việc tại Huế cũng như sinh viên trường mỹ thuật, kiến trúc của Huế. Đây là mong muốn tạo ra hiệu ứng lan tỏa có tính xã hội của những người làm Trúc chỉ. Ngay từ đầu, ba tiêu chí của dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam đặt ra là tính thẩm mỹ, giáo dục và xã hội, tức là đi vào đời sống xã hội như một giá trị được chấp nhận và người khác có thể sử dụng loại hình này để sáng tạo.

Họa sĩ Phan Hải Bằng tâm đắc: “Tiêu chí đặt ra của chúng tôi là làm sao để họa sĩ và các bạn sinh viên nghệ thuật có thêm một lựa chọn trong sáng tạo. Họa sĩ Huế bắt đầu hiểu thêm về nghệ thuật Trúc chỉ và đã làm ra những tác phẩm đặc sắc bằng sự hứng khởi về một loại hình nghệ thuật mới là thành công lớn của workshop lần này. Điều khiến chúng tôi vui hơn nữa là niềm tự hào bắt đầu lớn dần lên trong mọi người về một giá trị mới của Huế và Việt Nam đang được khẳng định”. Hơn thế, điều Trúc chỉ thu nhận được trong dự án này là, chính sự bỡ ngỡ, háo hức và năng lượng tươi mới của những người lần đầu bước đến vườn Trúc chỉ đã mang làn gió mới đến cho tinh thần sáng tạo của Trúc chỉ. 

Triển lãm không phải là điểm kết thúc một dự án mà là sự khởi đầu của một hành trình khác, thế nên triển lãm mới có tên là “Hành trình Trúc chỉ lần 1”. Sau cuộc triển lãm này, Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam tiếp tục phát động cuộc thi thiết kế với nghệ thuật Trúc chỉ mang tên “Ánh sáng Trúc chỉ” - lần 1/2018 dành riêng cho sinh viên ở Thừa Thiên Huế, bắt đầu từ ngày 25/12/2017, kết thúc vào ngày 12/4/2018.

“Khi Trúc chỉ có khả năng đáp ứng nhu cầu sáng tạo của xã hội và trở thành giá trị hiển nhiên của một vùng đất, một quốc gia thì mục đích chúng tôi đặt ra đã hoàn thành. Tên “Hành trình Trúc chỉ” nghĩa là chúng tôi luôn ở trên con đường và luôn vận động để phát triển và sáng tạo”, họa sĩ Phan Hải Bằng khẳng định.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Lan tỏa thông điệp bảo vệ quyền trẻ em

Gần gũi, sinh động và thiết thực, sự đa dạng của các mô hình, chương trình tuyên truyền đã tăng cường nhận thức về bảo vệ quyền trẻ em cho chính trẻ em, mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội.

Lan tỏa thông điệp bảo vệ quyền trẻ em
Lan tỏa tình yêu Huế xưa

Nhìn thấy được sức mạnh của mạng xã hội, Đào Hữu Quý thử thách bản thân bằng việc trở thành “nhà sáng tạo nội dung” (content creator), “nhồi nặn” sức hút của vẻ đẹp truyền thống Huế thành những video về văn hóa Huế… đăng lên mạng xã hội, khởi đầu là các món ăn độc lạ của Cố đô.

Lan tỏa tình yêu Huế xưa
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Return to top