ClockThứ Bảy, 20/08/2016 13:59

Tuồng Huế: Mong rộng cửa “trình làng”

TTH - Khi NSND Phan Bạch Hạc chia sẻ “lại muốn được như xưa, diễn tuồng và đánh trống chầu giữa Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, khán giả xếp ghế ngồi quanh…”, trông chị háo hức lạ.

Tạo hình vua Tự Đức trong “Bi kịch hoàng đế thi sĩ”

Còn nhớ, khi tôi có cuộc hẹn đầu tiên với cố NSND La Thị Cẩm Vân, lạ người nhưng chị vẫn cho tôi sự đồng cảm rất ấm khi bảo, tôi là người trẻ - một người trẻ “dũng cảm” khi muốn hiểu về nghệ thuật tuồng truyền thống, nên dù bận mấy chị cũng thu xếp để gặp. Sau nữa, tôi lại có điều kiện được tiếp xúc với nhiều cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế và nhận ra rằng, dù thời thế đã đổi thay, Huế lặng dần tiếng trống tuồng, nhưng trong mỗi câu chuyện của họ, tuồng Huế vẫn còn bám rễ rất sâu…

Thời cuộc đã khác nên tuồng Huế cũng như nhiều loại hình sân khấu truyền thống khác, không thể “sống” được bằng tiền bán vé cho khán giả. Tuy nhiên, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế vẫn tích cực đầu tư cho việc truyền dạy lớp diễn viên trẻ, dựng vở, công diễn và thực hiện các chuyên đề nghiên cứu về tuồng. Những năm qua, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế phục dựng thành công nhiều trích đoạn tuồng cổ, như: Tế sống, Tạ Ngọc Lân lên chùa, Ôn Đình chém Tá, Kim Lân biệt mẹ, Nguyệt Cô hóa cáo…; phục dựng nguyên vẹn vở “Ngọc lửa Hồng Sơn” và “Sơn Hậu”; dựng các vở tuồng lịch sử: Chí sĩ Trần Cao Vân, Máu lửa ngập Thiên Trường, Nỗi niềm đấng quân vương… và cả các vở tuồng hài: Trương Ngáo, Nghêu - Sò - Ốc - Hến. Và, thực hiện các công trình khoa học nghiên cứu về nghệ thuật tuồng, như: mặt nạ, vũ đạo… Nhiều vở khi trình làng tại các hội thi, hội diễn nghệ thuật toàn quốc gặt hái được nhiều huy chương cả tập thể và cá nhân, ghi dấu nhiều ấn tượng đẹp với bạn nghề khắp mọi miền đất nước.

Các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống cung đình Huế đang tất bật chuẩn bị cho cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp 2016, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối tháng 8 tới. Tại cuộc thi này, tuồng Huế tham gia 2 vở: “Bi kịch hoàng đế thi sĩ” - tuồng lịch sử và “Tìm lại cội nguồn” - tuồng dân gian. Trước ngày “xuất quân”, NSND Phan Bạch Hạc chia sẻ: Đợt tổng duyệt 2 vở diễn trên, Nhà hát có mời đại diện một số địa phương vùng biển trong tỉnh đến xem. Xem xong, có hai làng biển vùng Thuận An (huyện Phú Vang) đặt vấn đề muốn mời đoàn về diễn tuồng vào dịp Tết cổ truyền sắp tới, thời điểm diễn ra hội Cầu ngư truyền thống của làng.

Theo NSND Bạch Hạc, những năm 1995-2000, cứ đến mùa Tết, Nhà hát lại được các làng vùng biển Thừa Thiên Huế mời về diễn tuồng, nhưng những năm gần đây thì không nữa. Phần vì thị hiếu thay đổi, phần vì điều kiện của Nhà hát không phải lúc nào cũng có thể thu xếp được. Tuy nhiên, với lời đặt vấn đề trên, Nhà hát đã nhận lời, đồng thời xem đó là động lực mới của tập thể Nhà hát nói chung và mỗi anh chị em diễn viên, nghệ sĩ nói riêng. “Về phần kinh phí, chúng tôi chỉ xin nhận phần bồi dưỡng cho anh chị em, phần còn lại Nhà hát sẽ hỗ trợ. Các làng động viên được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, còn anh chị em xác định biểu diễn phục vụ bà con là chủ yếu. Mỗi một tác phẩm được dựng lên, bao nhiêu công sức, tâm huyết của anh chị em đều tập trung vào đó nên chỉ cần có người xem là vui lắm rồi”, NSND Bạch Hạc nói.

NSƯT La Hùng cũng đồng tình: Thực sự sẽ rất tốt nếu các nghệ sĩ, diễn viên được tạo điều kiện để về biểu diễn tuồng ở những vùng quê. Đây chính là cơ hội để tuồng Huế không bị mất đi và tiếp tục được lưu giữ trong dân gian. Nếu những cơ hội này bị bỏ qua, khi lớp người già biết về tuồng mất đi thì lớp trẻ lớn lên sợ chẳng biết tuồng là gì, nói chi đến việc hiểu, quý và có ý thức giữ gìn. Ở góc độ khác, đã là diễn viên, nghệ sĩ, chẳng ai lại không muốn được biểu diễn, giao lưu với đông đảo khán giả.

Lâu nay, vì kén chọn người xem, nên cứ mỗi vở tuồng được dàn dựng, tham gia các hội diễn, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế tổ chức quay hình để giới thiệu, quảng bá trên sóng truyền hình. Với “Bi kịch hoàng đế thi sĩ” và “Tìm lại cội nguồn” cũng như vậy, đồng thời sẽ tổ chức các buổi công diễn để phục vụ khán giả.

Không chỉ có thế, NSND Bạch Hạc còn “tham vọng” hơn nhiều: “Nếu có được nguồn tài trợ, chúng tôi rất muốn được trở lại như xưa. Diễn tuồng và đánh trống chầu ngay giữa Nghinh Lương Đình và Phu Văn Lâu, xung quanh có khán giả sắp ghế ngồi xem, ai thích thì đến, không cần phải đến rạp”. Tuy nhiên, ấy mới chỉ là niềm mơ của những nghệ sĩ đã từng sống chết với những buồn vui của nghệ thuật tuồng để cống hiến hết mình cho khán giả. “Đó là ý nguyện của chúng tôi, còn thực hiện được hay không, ở mức độ nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tin rằng cách diễn đại trà này sẽ thu hút được khán giả, nhưng Nhà hát không thể làm một mình. Chúng tôi cần sự đồng thuận và hỗ trợ từ các ngành, nhất là từ phía Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật”, NSND Bạch Hạc nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không gian trưng bày mặt nạ tuồng Huế

Ngày 2/2, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức khai mạc Không gian trưng bày mặt nạ tuồng Huế.

Không gian trưng bày mặt nạ tuồng Huế
Nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng

Sự độc đáo của ngôn ngữ mặt nạ cũng chính là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên giá trị của nghệ thuật tuồng Huế.

Nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng
Làm “sống” không gian di sản

Bằng việc giới thiệu các chương trình, loại hình nghệ thuật di sản bên ngoài không gian di tích, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế góp phần làm “sống” không gian thâm nghiêm cổ kính của Hoàng cung.

Làm “sống” không gian di sản

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top