ClockThứ Tư, 26/03/2014 04:48

Văn hóa năm châu hội tụ về Huế

Khởi nguồn từ Liên hoan gặp gỡ giữa Huế (Việt Nam) và Codev (Pháp) vào năm 1992, đến nay, Festival Huế đã thành nơi quy tụ, gặp gỡ nhiều chương trình nghệ thuật, đại diện và mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Festival Huế thu hút hàng trăm chương trình nghệ thuật khắp năm châu lục, trở thành điểm hẹn di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại. Tinh hoa văn hóa của các nước cùng hội tụ góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam, vùng đất Cố đô Huế. Mỗi kỳ Festival, có hàng trăm ngàn lượt du khách từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đến Huế. Thông qua hoạt động giao lưu giữa các quốc gia tại các kỳ Festival Huế, các giá trị văn hóa Huế và Việt Nam tiếp tục lắng đọng, lan tỏa.

 

Chương trình nghệ thuật đêm bế mạc Festival Huế 2012. Ảnh: Trang Hiền

 

Ông Ngô Hòa, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2014 khẳng định, Festival không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và du lịch mà còn là hiệu quả chính trị, ngoại giao, văn hóa, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển. Cộng đồng quốc tế đến với Huế sẽ tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau thông qua văn hóa. Đó là một hiệu quả không thể đo đếm.

 

Nổi bật các giá trị văn hóa

 

Có 37 quốc gia khắp 5 châu lục đăng ký tham gia Festival Huế 2014 với 46 đoàn nghệ thuật (tăng 9 quốc gia so với năm 2012). Đặc biệt là sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế, như: Đoàn nghệ thuật trống Bati-holic đến từ Cố đô lịch sử Kyoto (Nhật Bản), nhóm vũ nhạc Tararam của Israel, ban nhạc Sururu na Roda của Braxin, dàn nhạc OSP Nadarzyn - một trong những ban nhạc nổi bật nhất của đất nước Ba Lan, Đoàn nghệ thuật truyền thống thuộc Trung tâm nghệ thuật Gukak Quốc gia của Hàn Quốc, Ban nhạc Amigos được chọn là Đại sứ văn hóa của Hoa kỳ cho dự án âm nhạc “Đưa âm nhạc Mỹ ra thế giới” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Nhóm múa ba lê dân gian Guadalajara và ban nhạc Mariachi của Mexico… Đặc biệt, chương trình xiếc “Làng tôi”, sau trên 300 suất diễn thành công lớn ở Pháp và Châu Âu sẽ lần đầu tiên có mặt tại Festival Huế.

Festival Huế lần thứ 8 năm 2014 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 20-4. Tiếp tục là hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á – Mỹ La tinh do Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xướng, Festival Huế 2014 quy tụ các chương trình nghệ thuật tiêu biểu, đặc trưng của những vùng văn hóa và các thành phố cố đô của Việt Nam, giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế; các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của trên 30 quốc gia đến từ 5 châu lục. Trong đó, nhiều quốc gia lần đầu đăng ký cử đoàn nghệ thuật tham dự, như: Braxin, Palestine, Rumani, Slovakia, Nauy, Peru, Congo, Mali… Nhiều lễ hội độc đáo, như: Đêm hoàng cung, Lễ hội áo dài, Đêm phương Đông, các lễ hội cộng đồng Hương xưa làng cổ, Chợ quê ngày hội... tiếp tục được tái hiện. Festival Huế 2014 còn có các hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng như các cuộc triển lãm, trưng bày, nghệ thuật thả diều Huế, thư pháp, các hoạt động nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật âm nhạc - mỹ thuật đường phố...

 

Festival Huế 2014 sẽ được mở rộng không gian diễn xướng và không gian lễ hội với mục tiêu đưa Festival về với cộng đồng. Festival Huế lần này sẽ chú trọng đến bản sắc văn hóa địa phương, với điểm nhấn là các chương trình giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình, các làn điệu dân ca độc đáo của Huế... trong đó có chương trình nghệ thuật tôn vinh ca Huế.

 

Trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival Huế 2014 còn có Liên hoan ẩm thực quốc tế; Liên hoan Múa quốc tế - hội tụ các đơn vị biểu diễn nghệ thuật múa tiêu biểu của nhiều quốc gia, là cơ hội để các nghệ sĩ múa Việt Nam tiếp cận, giao lưu, trao đổi tinh hoa nghệ thuật múa quốc tế. Riêng Lễ hội Áo dài phối hợp với một số chương trình nghệ thuật múa đương đại... tạo chương trình tổng hợp lớn gắn với sông Hương - cầu Trường Tiền - chợ Đông Ba, nhân kỷ niệm 115 năm cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba.

 

Thời điểm này, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa và nghệ thuật các nước ASEAN+3 sẽ được tổ chức tại Huế. Tại hội nghị này, dự kiến sẽ thống nhất ra tuyên bố chung “thành phố Huế là thành phố văn hóa”. Ngoài chương trình nghị sự chính, sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức bên lề hội nghị, trong đó Đêm văn hóa ASEAN+3 sẽ làm nổi bật thêm các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các nước.

 

Những chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Festival Huế 2014:
 
* Lễ khai mạc diễn ra vào lúc 20h ngày 12/4 tại Kỳ Đài – Quảng trường Ngọ Môn với chương trình nghệ thuật kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại; với kết cấu, trang trí sân khấu mới lạ, ấn tượng mang đậm biểu tượng của các cố đô, di sản, quy tụ những loại hình di sản văn hóa được thế giới công nhận.
 
* Chương trình sân khấu hóa tôn vinh ca Huế “Âm sắc Hương Bình” được tổ chức vào lúc 20h ngày 16/4 tại Nghinh Lương Đình. Lấy không gian diễn xướng trên dòng sông Hương, chương trình diễn ra trên 25 thuyền rồng, quy tụ các thế hệ nghệ nhân ca Huế, những bài, bản ca Huế, ca kịch Huế kinh điển, tiêu biểu cho loại hình ca Huế. Chương trình kết hợp hoạt động thả hoa đăng trên sông Hương. Chương trình nhằm tôn vinh ca Huế - một loại hình nghệ thuật đặc trưng của Huế đã hình thành qua nhiều thế kỷ.
 
* Sau những buổi diễn thành công tại Festival Huế 2012, chương trình nghệ thuật sắp đặt lửa của đoàn Carabosse (Pháp) vào các tối 18 và 20/4 sẽ thắp sáng cầu Trường Tiền với hàng ngàn ngọn nến, tạo hiệu ứng ánh sáng mới lạ. Ngoài sắp đặt lửa, cầu Trường Tiền là nơi triển lãm những tác phẩm nghệ thuật của 54 dân tộc Việt Nam do nghệ sĩ Sebastienne Laval thực hiện.
 
* Đêm Hoàng Cung diễn ra vào lúc 19h các tối 15 và 19/4 tại Đại Nội tái hiện nét văn hóa cung đình xưa gắn với kiến trúc triều Nguyễn diễn ra ở Ngọ Môn, điện Thái Hoà, điện Cần Chánh cung Khôn Thái, Duyệt Thị Đường, vườn Cơ Hạ… Chương trình tái hiện buổi Ngự yến triều Nguyễn do nghệ nhân ẩm thực Huế Hồ Thị Hoàng Anh chủ trì.
 
* Là điểm nhấn của Festival Huế 2014, Lễ hội Áo dài diễn ra vào lúc 20h các ngày 14 và 17/4 tại Kỳ Đài – Quảng trường Ngọ Môn do nhà thiết kế Minh Hạnh làm tổng đạo diễn. Lễ hội sẽ trình diễn các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng đến từ Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trên chất liệu truyền thống, các bộ sưu tập biểu đạt giá trị thẩm mỹ vĩnh hằng của tà áo đã thấm sâu vào tâm hồn dân tộc Việt.
 
* Lễ bế mạc diễn ra vào 20h ngày 20/4 tại Công viên cầu Gia Hội với chương trình nghệ thuật sâu lắng sẽ là lời chia tay đẹp đẽ, nhẹ nhàng, vương vấn du khách.

 

Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lộng lẫy “Huế vàng son”

Chương trình trình diễn áo dài Festival Huế 2018 với chủ đề “Huế vàng son” diễn ra vào tối 1/5 tại sân khấu Bia Quốc Học đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân và du khách bởi sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật áo dài, múa và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng cùng âm nhạc.

Lộng lẫy “Huế vàng son”
Văn hiến kinh kỳ, nơi văn hóa Việt hội tụ và tỏa sáng

Văn hiến kinh kỳ là một trong những chương trình “đinh” của Festival Huế 2018, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dàn dựng và thực hiện. Từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã tích cực luyện tập để chương trình có thể “chạy” một cách tốt nhất.

Văn hiến kinh kỳ, nơi văn hóa Việt hội tụ và tỏa sáng
Festival Huế mang đến nhiều cơ hội

Hàng trăm nghìn du khách đến Huế, hàng triệu lượt người tham gia vào lễ hội là con số mà Ban tổ chức Festival Huế thống kê trong các kỳ vừa qua. Kéo theo đó là nhu cầu về ăn uống, vui chơi cũng tăng tỷ lệ thuận.

Festival Huế mang đến nhiều cơ hội
Khám phá sân khấu trong Festival Huế 2016

Cũng là một điểm nhấn và được sự quan tâm của công chúng, các sân khấu trong Festival Huế 2016 góp phần làm nên thành công cho nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Khám phá sân khấu trong Festival Huế 2016
Return to top