ClockThứ Sáu, 14/01/2022 21:15

“Việc cách ly, theo dõi & điều trị F0 đã dần đi vào nề nếp”

TTH - “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Thừa Thiên Huế đã có gần 3.000 trường hợp F0 được cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà. PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết, các hoạt động liên quan đến công tác này đã qua giai đoạn lúng túng và đang được thực hiện một cách bài bản.

F0 điều trị tại nhà cần theo dõi diễn biến sức khỏe như thế nào?Cần chuẩn bị những gì cho F0 tự cách ly, điều trị tại nhà?

PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế

Theo PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, F0 được cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà là người nằm trong nhóm tuổi từ 3 tháng đến dưới 65, đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19, không thuộc nhóm nguy cơ cao và rất cao. Họ phải là những người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ mà có thể điều trị được bằng những gói thuốc A, thuốc B hoặc thuốc C tại nhà. Tùy tình hình thực tế của từng trường hợp mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp xã sẽ xem xét, quyết định phù hợp với mức độ bệnh và các đặc điểm khác của người bệnh. Trên nguyên tắc đó, việc cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà phải đảm bảo các điều kiện về phòng cách ly, nhà ở của từng trường hợp F0.

Mỗi trường hợp F0 cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà được thực hiện theo quy trình như thế nào, thưa ông?

Quy trình cách ly, chăm sóc và điều trị F0 tại nhà có các bước cơ bản, gồm: Lập danh sách người bệnh; chuyển danh sách, thông tin F0 cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã, tổ y tế lưu động để thẩm định điều kiện cơ sở vật chất và đánh giá tình trạng bệnh tật đối với người bệnh; lập hồ sơ điều trị F0, kết nối thông tin và cung cấp các gói thuốc cơ bản tại nhà nếu người bệnh đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà; theo dõi, giám sát người bệnh điều trị tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm và cuối cùng là kết thúc cách ly. Khi trường hợp F0 kết thúc cách ly, điều trị tại nhà, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã có thủ tục xác nhận việc hoàn thành cách ly, điều trị.

Sau một thời gian chuẩn bị các phương án, ngày 28/12/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã chính thức áp dụng biện pháp cách ly, theo dõi và điều trị F0 tại nhà cho những trường hợp đủ điều kiện. Đến nay, công tác này dần đi vào nề nếp. Điều quan trọng nhất là người dân đã ý thức được những nguy cơ khi vô tình trở thành F0. Họ tự kiểm soát được chính mình và hợp tác với y tế cơ sở. Đây là yếu tố quan trọng để việc điều trị F0 tại nhà đạt được hiệu quả cao.

Vẫn có địa phương khó khăn trong việc cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà. Ngành y tế hỗ trợ gì đối với những trường hợp này?

Chúng tôi biết một số địa phương gặp phải khó khăn trong việc cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà, nhất là điều kiện về phòng cách ly. Những trường hợp này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh vẫn có những khung quản lý, tiếp nhận, điều trị người nhiễm COVID-19 (T-F0) để thu dung và điều trị, nếu người bệnh thuộc tầng 1, tầng 2. Ngoài các T-F0 cấp tỉnh, các địa phương cũng đã chủ động lập các T thu dung F0, mà A Lưới là một ví dụ. Tại các T này có đội ngũ cán bộ quản lý khung của quân sự, chính quyền địa phương, y tế cơ sở và sự hỗ trợ các đoàn thể… cùng tham gia quản lý, chăm sóc, theo dõi và điều trị F0.

Hỗ trợ oxy cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Đội hỗ trợ điều trị F0 tại nhà

Việc thu dung, điều trị F0 tại T thì có những thuận lợi nhất định trong việc tập trung chăm sóc người bệnh và hạn chế sự đi lại của lực lượng hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thì việc cách ly, điều trị F0 tại nhà sẽ là biện pháp phòng, chống dịch lâu dài và hiệu quả. Nhất là khi cách ly, điều trị tại nhà, tâm lý người bệnh sẽ thoải mái hơn nhiều, các áp lực được giải phóng và người bệnh dễ phối hợp việc giám sát sức khỏe, hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị và nhanh lui bệnh.

Thực hiện cách ly, theo dõi và điều trị F0 tại nhà sẽ thêm áp lực công việc cho đội ngũ y tế cơ sở. Sở Y tế chia sẻ áp lực ấy cho cơ sở thế nào, thưa ông?

Đến thời điểm này, tất cả các địa phương cấp xã đều đã thành lập tổ y tế lưu động và toàn tỉnh đã có được 154 tổ. Mỗi tổ có ít nhất 5 người, không chỉ có nhân viên y tế mà còn có lực lượng hỗ trợ của địa phương và tình nguyện viên là sinh viên/học viên y khoa. Các tổ được cung cấp đầy đủ công cụ hậu cần cơ bản để đáp ứng việc cách ly, theo dõi và điều trị F0 tại nhà. Bên cạnh nền tảng là các cán bộ y tế các trạm y tế, trung tâm y tế, lực lượng y tế ngoài hệ thống công lập, tổ COVID-19 cộng đồng, chúng tôi còn kết nối với đội ngũ bác sĩ gia đình, đơn vị 115, các đội phản ứng nhanh… tạo được sự liên thông rất chặt chẽ nhằm hỗ trợ việc chăm sóc, điều trị F0 tại nhà tốt nhất có thể.

Ông có khuyến cáo gì về những tình huống nguy cơ mà F0 cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà phải báo ngay cho y tế cơ sở để được hỗ trợ kịp thời?

Vấn đề này chúng tôi cũng đã ban hành văn bản để hướng dẫn cụ thể về việc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người nhiễm COVID-19. Theo đó, người F0 hoặc người chăm sóc F0 phải báo ngay cho cơ sở quản lý F0 tại nhà nếu người F0 có một trong những dấu hiệu nguy cơ, chuyển độ gồm: Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường; nhịp thở tăng; độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) < 96%, nếu đo được; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 nhịp/phút; huyết áp thấp (90 mmHg - 60 mmHg, nếu đo được); đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức; tím môi, tím và lạnh đầu tứ chi, da xanh, môi nhợt; không thể uống. Đối với trẻ nhỏ là khi trẻ sốt trên 38°C, đau rát họng, ho, tiêu chảy, trẻ mệt, không chịu chơi, tức ngực, cảm giác khó thở, SpO2 < 96% (nếu đo được), ăn/bú kém...

Tùy mức độ tình trạng bệnh, người F0 cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà có những gói thuốc khác nhau. Ông có thể nói rõ sự khác nhau giữa các gói?

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã có hướng dẫn rất rõ về việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho các trường hợp F0. Theo đó, thuốc điều trị COVID-19 tại nhà gồm 3 gói, A, B và C. Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng; gói thuốc B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông; gói thuốc C bổ sung thêm thuốc kháng vi rút. Gói thuốc A cấp ngay cho F0 đủ điều kiện. Gói thuốc B chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp được sử dụng gói thuốc C phải tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, cán bộ y tế. Tất cả những ca nhiễm SARS-CoV-2 đơn thuần có độ tuổi khỏe mạnh, đã tiêm đủ liều vắc-xin, không có bệnh nền, không có những yếu tố nguy cơ và hoàn toàn không có triệu chứng thì hoàn toàn có thể tự chăm sóc, theo dõi cho chính bản thân mình mà không cần dùng đến thuốc. Với những bệnh nhân có triệu chứng, chúng tôi sẽ đánh giá tình trạng bệnh để có chỉ định sử dụng gói thuốc phù hợp.

Thực tế, khi nhiễm SARS-CoV-2, ngoài điều trị kháng vi rút với sự hỗ trợ của nhân viên y tế, thì quan trọng nhất là người bệnh phải nâng cao thể trạng, thường xuyên vận động, bổ sung dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh toàn thân và giữ tinh thần lạc quan. Sự kết hợp nhiều biện pháp vừa đặc hiệu vừa hỗ trợ như vậy thì quá trình cách ly, theo dõi và điều trị F0 tại nhà sẽ đạt hiệu quả cao nhất có thể.

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG VĂN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu để theo dõi các chủng virus corona

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra mắt một mạng lưới mới về các chủng virus corona, CoViNet, để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm và chính xác về SARS-CoV-2, MERS-CoV, cũng như các chủng virus corona mới, có tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu để theo dõi các chủng virus corona
Phát hiện ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Ngày 12/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết đang phối hợp theo dõi một ca bệnh sốt rét ngoại lai tại Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Các y bác sĩ tiếp tục điều trị do bệnh nhân đang mang thai 19 tuần tuổi.

Phát hiện ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đảm bảo mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong cả nước vào năm 2030

Ngày 23/2, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương tổng kết công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng năm 2023; triển khai kế hoạch năm 2024 và thúc đẩy loại trừ sốt rét ở Việt Nam”. Đầu cầu Thừa Thiên Huế có đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TTYT Phong Điền, Nam Đông, A Lưới.

Đảm bảo mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong cả nước vào năm 2030

TIN MỚI

Return to top