ClockThứ Hai, 30/03/2020 17:42
Ngày Chủ nhật xanh:

"Xanh những con đường, xanh cả lòng người " - Kỳ 2: Lan tỏa phong trào xanh, sạch, sáng

TTH.VN - Thay đổi thói quen của một con người rất khó và thay đổi nhận thức của cả cộng đồng lại càng khó hơn. Thế nhưng, sau những bước đi ban đầu, người Huế đang đồng hành khi môi trường sống bị đe dọa. Thức giấc mỗi sáng chủ nhật là lúc người dân Cố đô chung tay làm đẹp môi trường. Ngày Chủ nhật xanh hình thành như thế, hướng đến “Giấc mơ Huế” trong tương lai đang dần hiện thực.
 

 
 

 

Lãnh đạo tỉnh nhiều lần khẳng định, muốn phong trào Ngày Chủ Nhật xanh thành công cần sự đồng hành của người dân. Từ đó hình thành nên những thói quen tích cực. Phong trào giờ đây đã lan tỏa đến từng con phố, đường làng. Nhận thức của người dân thay đổi từng ngày…

 

Bà Nguyễn Thị Trước, xã Thủy Phù, TX Hương Thủy bảo, nhiều thế hệ ngày xưa của người Việt, túi ni lông là sản phẩm xa vời. Mỗi lần đi chợ, hàng hóa được gói gém cẩn thận trong những tấm lá chuối, giỏ hàng cũng làm bằng đệm bàng cỏ lác thay vì giỏ nhựa như ngày nay. 

 

 
Rau được bọc trong lá chuối tại các siêu thị

 

“Có cung ắt có cầu, sự tiện lợi của túi ni lông khiến thói quen người dân thay đổi. Mặc dù vẫn còn một số người lớn tuổi giữ gìn phương thức ngày xưa nhưng đa số phụ nữ hiện đại đều quen với việc dùng túi ni lông tiện lợi”, bà Trước nói.

Ngày Chủ nhật xanh ra đời khiến những sản phẩm gói hàng trên giỏ hàng của chị em ngày xưa đến nay còn nguyên giá trị. Các địa phương thực hiện nhiều cuộc vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni lông, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Hương Thủy cho biết:“Khi Phong trào “Phụ nữ dùng giỏ nhựa” khi đi chợ lan tỏa đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng. Hội viên cũng tình nguyện ký cam kết sử dụng các vật dụng thân thiện khi đi chợ”.

Hưởng ứng chủ trương giảm thiểu sử dụng túi ni lông sử dụng một lần, các hệ thống siêu thị cũng chung tay. Tại đây, túi giấy, túi vải được khuyến khích mua đựng hàng thay vì túi ni lông.

Tại Big C Huế-kênh phân phối hiện đại lớn của thành phố- lá chuối được dùng để gói rau, củ. Đơn vị này đang đẩy mạnh việc sử dụng các loại bao bì hữu cơ từ lá, túi giấy để đóng, gói hàng hoá thay túi ni lông.

Siêu thị Co.opmart Huế cũng là nơi bắt đầu thử nghiệm dùng lá chuối để gói hơn 20 mặt hàng rau, củ; đồng thời sẽ có thêm những sản phẩm đóng gói thân thiện từ lá dong, lá vả…Không chỉ góp phần giảm thải ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, hướng đi này tạo điều kiện cho người trồng dong, vả...có thêm nguồn thu ổn định từ việc bán lá.

Ở các ngôi chợ truyền thống, dù chưa thật phổ biến nhưng sử dụng bao gói thân thiện  môi trường đang từng ngày len lỏi vào đời sống của tiểu thương.

Thay đổi thói quen là không dễ. Nhưng nếu kiên trì và nhiều người cùng làm thì chắc chắn hiệu ứng của việc dùng vật dụng thân thiện thay thế túi ni lông dùng 1 lần sẽ đạt kết quả.

 

 
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao quà là một vật dụng thân thiện môi trường cho thanh niên huyện A Lưới

“Để phong trào nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần lan tỏa đến mọi tầng lớp Nhân dân, cộng đồng và xã hội thì mỗi cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn tỉnh phải cùng chung tay hành động, thay đổi thói quen, tư duy và nhận thức. Phải là người đi tiên phong trong việc nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

 

Trong một lần trò chuyện về những sản phẩm hữu cơ, Giám đốc Công ty Huế Việt Nguyễn Thị Huệ nói về ý tưởng làm ống hút từ cỏ bàng, loại cây đã hình thành nên một làng nghề nức tiếng lâu đời bên dòng sông Ô Lâu.

 

 

Dự án từ ý tưởng của vị nữ giám đốc được nhiều phương tiện truyền thông nhắc đến là mô hình sáng tạo, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân trồng cỏ bàng. 

“Nếu mỗi người dân sử dụng một ông hút cỏ bàng thay cho ống nhựa thì ít nhất hơn 90 triệu ống hút nhựa trên cả nước sẽ không có cơ hội được sản xuất”, Giám đốc Công ty Huế Việt Nguyễn Thị Huệ mơ ước.

Với sản lượng 10 triệu ống/vụ, Công ty Huế Việt đang góp phần giúp thay đổi thói quen người dân. Nếu nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tốt, vùng trồng nguyên liệu cỏ bàng sẽ phát triển, là “cần câu cơm của không ít hộ dân ở xã Phong Bình.

“Ngoài ống hút, tại địa phương có nhiều người dân, doanh nghiệp đan giỏ xách, đệm... với giá bán phù hợp, kích thích người tiêu dùng sử dụng đại trà sản phẩm của địa phương, hạn chế dùng túi ni lông, nhựa sử dụng một lần”, ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình kỳ vọng.

Sông Hương – dòng sông di sản đang bị “bào mòn” bởi những tác động tiêu cực của con người. Các công trình hiện đại mọc lên đồng nghĩa với việc lòng sông bị “rút ruột”, nhiều khúc bị xói lở bởi nạn khai thác trái phép. Từ thực tế này, mô hình biến rác thải xây dựng thành cát sỏi của ông Dương Duy Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Tường không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường. 

“Mô hình hình tận thu rác thải xây dựng tạo nên sản phẩm không đơn thuần phục vụ cho ngành xây dựng mà còn giảm áp lực cho các dòng sông từ việc khai thác cát, sỏi trái phép”, ông Dương Duy Long khẳng định.

 

 

Nhiều sản phẩm tái chế từ phế liệu của học sinh là minh chứng cho sự lan tỏa của phong trào Chủ Nhật xanh. Từ cuộc thi “Tái chế nhựa phế liệu” do Tỉnh đoàn tổ chức, đã hình thành những sản phẩm hứu ích của học sinh như “Áo phao cứu sinh và hỗ trợ dự trữ thực phẩm tái chế từ rác thải nhựa” của nhóm tác giả đến từ Trường THPT A Lưới (huyện A Lưới); “Khăn lau bảng tích hợp hút bụi phấn” của nhóm học sinh đến từ Trường THPT Hà Trung (huyện Phú Vang) hay tác phẩm “Đèn trang trí từ nhựa tái chế” của Trường THPT Cao Thắng (TP. Huế)...

 

Huế vốn nổi tiếng là thành phố xanh với hệ thống cảnh quan, cây xanh dày đặc. Phong trào Ngày Chủ nhật xanh đi vào đời sống càng khẳng định tính xanh bền vững của Huế.

Ai đã từng lướt facebook của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định sẽ nhận thấy sự đổi thay của Huế qua từng bức ảnh, góc nhìn xanh của ông.

 

 

Huế chuyển mình. Đẹp hơn. Xanh hơn và đang là thành phố du lịch sạch của ASEAN giai đoạn 2018 – 2020.  “Ít có nơi nào xanh sạch được như Huế. Huế không bị đô thị hóa quá mức, môi trường cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ. Và các bạn có một Ngày Chủ nhật xanh được toàn dân hưởng ứng để duy trì một Huế mộng mơ”, anh Nguyễn Văn Chiến, một du khách đến Huế cảm nhận.

Những mô hình Ngày Chủ nhật xanh, “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”, “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm Huế sạch hơn” hay nhặt rác để  “Cảm ơn dòng Hương”… đều hướng đến  mục tiêu Huế xanh. Du lịch xanh cũng là tương lai của Huế.

 

 

Những Ngày Chủ nhật xanh, không khó để bắt gặp hình ảnh du khách hòa mình nhặt rác. Các tour tham quan Huế cũng kết hợp với bảo vệ môi trường, hướng đến du lịch có trách nhiệm hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh. 

 

 

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, chính việc xây dựng các tour tuyến gắn với hoạt động bảo vệ môi trường sẽ giúp hình thành nên những sản phẩm mới và quảng bá hình ảnh Huế xanh. “Khi bạn là người Huế, bạn thấy du khách nhặt rác bảo vệ môi trường thì ngay tự thân bạn ý thức đã được chuyển biến. Và không có lý do gì để bạn không chung tay”, ông Phúc nói.

 

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong 10 ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, khen ngợi Thừa Thiên Huế đến 3 lần. Cụ thể, ngày 2/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư biểu dương phong trào “Ngày Chủ nhật xanh – Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh – sạch – sáng” đã làm cho Huế đẹp hơn, thơ mộng hơn. Ngày 9 /6, tại lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc ở Hà Nội, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các địa phương có  mô hình tốt như phong trào Chủ nhật xanh tại Huế. Ngày 10/6, trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục biểu dương và đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế trong thực hiện phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", "nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần".

 

 

Theo Thủ tướng Chính phủ, mô hình bảo vệ môi trường Huế đang làm cần được nhân rộng tại các địa phương trên toàn quốc.

 

 
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tặng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Nguyễn Xuân Phúc chai đựng nước bằng thủy tinh

Sáng kiến dùng chai thủy tinh thay thế chai nhựa đựng nước của Huế được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành cùng nhiều địa phương đánh giá cao và hưởng ứng.

Công tác bảo vệ môi trường của Thừa Thiên Huế không chỉ nhận được sự hưởng ứng của người dân, mà từ những phong trào này, người Huế càng trở nên dễ mến trong mắt bạn bè quốc tế.  “Qua những người bạn Huế, tôi biết Ngày Chủ nhật xanh là một phong trào lớn của các bạn. Tôi cho rằng nó không dừng lại ở việc nhặt rác mà đã thay đổi nhận thức của người Huế”, một du khách đến Huế từ Pháp chia sẻ.

 

 

Trong chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế đầu tháng 10/2019,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, ông Trần Ngọc Thực cho rằng, Huế là điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường trong cả nước, đặc biệt là phong trào Ngày Chủ nhật xanh đang được các địa phương học tập và nhân rộng.

 

 

Trong chuyến công tác lần ấy của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, mô hình bảo vệ môi trường, xử lý rác thải của Thừa Thiên Huế được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, học tập với mong muốn được áp dụng.

Kỳ 1: Muốn xanh, sạch thì phải dọn rác

Kỳ 3: Từ nhặt rác đến không xả rác

Nội dung: Lê Thọ - Thái Bình

Hình ảnh: Lê Thọ - Thái Bình - Đăng Tuyên - Phan Thành

Thiết kế: Nguyễn Quân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vì một môi trường sống sạch đẹp

Năm nay, chiến dịch Giờ Trái đất được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Giảm dấu chân carbon - hướng tới Net zero” “Reducing carbon footprint towards net zero”.

Vì một môi trường sống sạch đẹp
Hướng đến không gian sống xanh, sạch

Cùng với các dự án (DA) chỉnh trang đô thị, chủ đầu tư các DA trên địa bàn bắt tay thực hiện chỉnh trang khuôn viên DA với mong muốn cư dân đón một cái tết đầm ấm trong môi trường thân thiện.

Hướng đến không gian sống xanh, sạch
Cho phố phường sạch, đẹp

Bằng sự nêu gương, bằng hành động có tình, có lý, cán bộ, đảng viên tổ dân phố (TDP) 5, phường Phường Đúc (TP. Huế) đã vận động người dân chấm dứt tình trạng lấn chiếm vỉa hè, chung tay xây dựng các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Năm 2019, TDP 5 được UBND TP. Huế tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận khéo.

Cho phố phường sạch, đẹp
Nếu biết cách mở lòng...

Dù chỉ là “viết vội mấy dòng” sau khi “từ Laguna chạy về xem cái cầu Tràng Tiền sau 7 năm nó ra làm sao”, nhưng bài viết ngắn được đặt cái tên “Ám khí” của một nữ du khách trên mạng xã hội facebook, không ngờ đã tạo nên một cú sốc cho dư luận, với nhiều tiếng nói bất bình lẫn đồng tình. Du khách khen chê là chuyện bình thường, thậm chí cần được tôn trọng, vậy thì nữ du khách viết gì mà khiến cho dư luận bất bình như thế?

Nếu biết cách mở lòng
Return to top