ClockThứ Bảy, 25/06/2022 07:30

Xây dựng đại học số, cần vượt nhiều thách thức

TTH - Chuyển đổi số đang là một phần tất yếu trong quá trình phát triển của giáo dục đại học (ĐH). Bối cảnh hiện nay đặt ra những cơ hội và thách thức lớn đối với các trường trong tiến trình chuyển đổi sang mô hình ĐH số, nhằm tạo ra hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Những điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm 2022Tập trung tư vấn gắn với điểm mới về tuyển sinh

Nhân tố công nghệ và con người rất quan trọng trong việc xây dựng đại học số

Từng bước chuyển đổi số

Ngồi tại nhà, Nguyễn Thị Phương Thùy (TP. Huế) có thể truy cập hệ thống của ĐH Huế để thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến phương thức xét học bạ. Thao tác nhanh gọn, kênh tư vấn được bật sẵn để tranh thủ sự hướng dẫn, Phương Thùy chỉ mất vài phút để hoàn thành thủ tục này. Nữ thí sinh chia sẻ: “Thời buổi 4.0, việc các đơn vị đào tạo ĐH áp dụng công nghệ chuyển đổi số tiết kiệm thời gian nhiều cho thí sinh”.

Không chỉ trong công tác tuyển sinh, thời gian qua, các trường ĐH có những nỗ lực trong việc chuyển đổi số, từ hoạt động đào tạo, kiểm tra, khai giảng, lễ tốt nghiệp, hoạt động thư viện, các cuộc họp, sự kiện... PGS. TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm chia sẻ: “Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được xác định là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Giáo dục ĐH với tư cách là môi trường trực tiếp đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội được coi là một trong những trọng tâm để chuyển đổi. Ngoài xây dựng thành công hệ thống bài giảng E-learning, nhà trường đã tiên phong tổ chức nhiều sự kiện trực tuyến, trong đó có lễ trao bằng tốt nghiệp. Các hoạt động tại trường từng bước chuyển đổi số và cho thấy thành công”.

Dấu ấn trong công tác chuyển đổi số tại các trường ĐH rõ nét nhất là trong hai năm 2020-2021, khi dịch COVID-19 xảy ra và mọi hoạt động đều phải thay đổi để thích ứng. Ngoài việc xây dựng chuyển đổi hệ thống bài giảng, số hóa tài liệu, mọi khâu vận hành trong các trường ĐH đều từng bước chuyển đổi số.

Biến thách thức thành cơ hội

Trên thực tế, những việc đã làm được vẫn đang trên lộ trình chuyển đổi số. Để xây dựng các ĐH số thành công, còn rất nhiều việc phải làm.

 Sinh viên trải nghiệm thực tế ảo

Vừa qua, tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, một trong những nội dung chính được tập trung thảo luận là phát triển mô hình ĐH số, nhằm thúc đẩy tỷ lệ nhân lực số ở Việt Nam. Với mô hình này, dữ liệu được kết nối, liên thông từ sinh viên, giảng viên đến các bộ phận quản lý, đào tạo trong trường, đem lại nhiều tiện ích.

Theo các chuyên gia, năm 2022, hệ sinh thái công nghệ giáo dục Việt Nam có những thay đổi mạnh mẽ, trong đó, định hướng tập trung đồng bộ vào các nền tảng công nghệ, tăng cường năng lực số của người dạy và học. Nhờ đó, các cơ sở đào tạo sẽ chuẩn hóa và phát triển đa dạng học liệu số, giải quyết thách thức từ thực tiễn. Bối cảnh hiện nay, trường nào sớm lên ĐH số, trường đó sẽ chiếm ưu thế trong tuyển sinh và đào tạo. Điều đó đồng nghĩa, các trường ĐH phải tìm giải pháp biến thách thức thành cơ hội.

Đại diện các trường ĐH tại Huế cho rằng, ĐH số là mô hình mới song không còn quá xa vời mà đang là xu thế tất yếu gắn với sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. So với mô hình giáo dục truyền thống, mô hình này có nhiều khác biệt. ĐH số không chỉ là giảng dạy thông qua các ứng dụng công nghệ mà cần sự kết hợp giữa hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, học liệu số, ứng dụng dịch vụ, giảng viên số, sinh viên số. Để xây dựng ĐH số, cần thay đổi nội dung GD&ĐT, sau đó là thay đổi quy trình vận hành, phương pháp dạy - học và cuối cùng là con người (giảng viên và người học).

Có khá nhiều thách thức trong chuyển đổi số và xây dựng ĐH số, đó là môi trường công nghệ cho vận hành ĐH số chưa hoàn thiện, nhất là làm sao ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong quản lý, giảng dạy và nghiên cứu, trở thành mục tiêu và phương tiện trong quản lý và hoạt động của các trường ĐH. Tư duy, kỹ năng cũ trong phương thức dạy và học truyền thống của bộ phận đội ngũ giảng viên và sinh viên vẫn còn là rào cản. Ngoài ra, chương trình và quy chế đào tạo các nhà trường chưa có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Quan trọng không kém là nhìn chung cơ sở học liệu số của các trường ĐH chưa được đầu tư xứng tầm.

Giải quyết những vấn đề trên cần có giải pháp đồng bộ và quyết liệt, nhất là sự quyết tâm của lãnh đạo các trường. Để xây dựng hiệu quả các ĐH số, quá trình triển khai chuyển đổi số cần làm tốt trên 3 nhân tố: con người (nhận thức và năng lực số); thể chế (môi trường pháp lý và định chế), công nghệ (hạ tầng số). Các trường cần chú ý đến phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu công nghệ cao - tương tác cao và phương pháp học tập phù hợp cho người học; xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu công nghệ cao - tương tác cao và các kỹ năng liên quan, cần thiết cho học viên, sinh viên; phát triển các ứng dụng phục vụ công tác điều hành, quản trị, hạ tầng công nghệ đáp ứng… Đặc biệt, yếu tố cốt lõi của ĐH số vẫn là công nghệ, sự phát triển và hoàn thiện của ĐH số phụ thuộc vào sự phát triển, cập nhật của yếu tố công nghệ, đây là điều các trường cần chú ý.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 8 NĂM RA MẮT HỢP TÁC MEKONG - LAN THƯƠNG VÀ TUẦN LỄ MEKONG - LAN THƯƠNG NĂM 2024
Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương

LTS: Kỷ niệm 8 năm ra mắt Hợp tác Mekong - Lan Thương và Tuần lễ Mekong - Lan Thương năm 2024, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu bài viết của bà Đổng Bích Du, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng về mục tiêu chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương.

Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương
DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top