ClockThứ Tư, 24/11/2021 14:13

Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề: Cần có cách nhìn mới

TTH - Phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm làng nghề ở Thừa Thiên Huế ngày càng chú trọng. Tuy vậy, để đưa thương hiệu sản phẩm làng nghề địa phương vươn xa rất cần sự cộng hưởng từ nhiều phía.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưngXây dựng chuỗi sản xuất mang thương hiệu HuếCốt lõi của mỗi giá trị

Làng nghề mây tre đan tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người lao động. Ảnh: MC

Chưa xem trọng thương hiệu

Định danh từ hàng trăm năm trước, nhưng làng nghề mây tre đan Bao La (Quảng Phú, Quảng Điền) chỉ làm những vật dụng, như rổ, rá, thúng, mủng... phục vụ bà con địa phương. Tưởng chừng đã mai một nhưng khi thay đổi cơ chế thị trường, nhiều người dân, trong đó có ông Võ Văn Dinh lớn lên từ vùng đất lúa này đã trăn trở, tâm huyết qua nhiều năm tháng níu giữ để rồi hồi sinh.

Sau năm 2007 thành lập HTX mây tre đan đến nay, “địa chỉ” này đã sản xuất kinh doanh (SXKD) hiệu quả, sản phẩm đan lát với mẫu mã đa dạng, tinh xảo, như lồng đèn, túi xách, bình hoa, nan quạt, bàn ghế sofa và các vật dụng trang trí trong các khách sạn, nhà hàng lớn được thị trường ưa chuộng.

Hiện nay, HTX thu hút hơn 100 lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Bình quân mỗi tháng, HTX có 2 lần xuất hàng đi các tỉnh, thành, giá trị từ 100-200 triệu đồng/đơn hàng; ngoài ra còn kết nối nhiều đơn vị ở Hà Nội để xuất khẩu qua Thái Lan, Mỹ, châu Âu.

Thành công này ngoài nỗ lực đổi mới tư duy SXKD phải kể sự năng động của lãnh đạo HTX chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu tập thể của làng nghề. Hiện HTX đan lát Bao La được chứng nhận quyền sử dụng “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế”.

Khá nhiều làng nghề ở Thừa Thiên Huế sau khi xây dựng được nhãn hiệu tập thể đã có những bước chuyển biến rõ rệt, như làng nghề sản xuất dầu tràm Lộc Thủy, Phú Lộc; dệt Zèng A Lưới; điêu khắc mộc Mỹ Xuyên, Phong Hòa và đệm bàng Phò Trạch, Phong Bình (Phong Điền)... Khi có thương hiệu trên thị trường, việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, đời sống người lao động được nâng cao.

Ông Hồ Văn Vui, làng nghề sản xuất Dầu tràm Lộc Thủy, Phú Lộc cho rằng, ngoài yếu tố chất lượng, để làng nghề duy trì phát triển, người dân địa phương cũng chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu đặc sản truyền thống ông cha để lại. Đây là yếu tố cần thiết để các cơ sở tinh chế dầu tràm ở Lộc Thủy khẳng định sản phẩm chủ lực uy tín để vươn ra thị trường lớn. 

Tuy nhiên, qua các hội thảo về phát triển thương hiệu sản phẩm ngành nghề địa phương gần đây do các sở, ngành tổ chức mới nhận thấy việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề vẫn hạn chế. Nhiều DN, cơ sở làng nghề chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển thương hiệu trong quá trình hội nhập; vẫn tồn tại quan điểm SXKD theo lối “hữu xạ tự nhiên hương” chờ “bầu sữa” Nhà nước hỗ trợ.

Làng rèn ở Thủy Châu, Hương Thủy quảng bá thương hiệu khách hàng gần xa

Cơ hội để tiến xa

Theo ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, nguyên nhân hạn chế trên do các cơ sở làng nghề đang sản xuất nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu gắn kết nên khó tiếp cận nguồn vốn cũng như không có nguồn lực được đào tạo bài bản về quản trị thương hiệu. Hầu hết các cơ sở, DN làng nghề chưa chú trọng đăng ký bảo hộ thương hiệu... Tháo gỡ khó khăn này cần nhiều giải pháp, trong đó ngoài cơ chế chính sách của tỉnh cần sự cộng hưởng nhiều tổ chức, đơn vị liên quan hỗ trợ phát triển, bảo vệ thương hiệu, như chú trọng công tác truyền thông, trưng bày sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm trong, ngoài địa phương…  “Khi tạo dựng hình ảnh tốt với người tiêu dùng, chắc chắn doanh thu bán hàng sẽ gia tăng, cơ hội mở rộng thị trường cũng sẽ lớn hơn” - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh nói.

Nhìn nhận một cách toàn diện, việc phát triển làng nghề ở Huế đang có những khó khăn và cơ hội thuận lợi đan xen. Nếu biết cách tận dụng tốt cơ hội Huế là trung tâm du lịch của cả nước sẽ gặt hái được nhiều thành công khi tập trung phát triển du lịch làng nghề. Đây là một hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn và quảng bá được sản phẩm làng nghề ra thị trường. Khi các làng nghề đã có thương hiệu thì việc bảo tồn, phát huy các làng nghề có hiệu quả, dễ dàng hơn.

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KHCN cho rằng, lâu nay tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ các tổ chức, DN, cơ sở làng nghề trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề, đặc sản truyền thống Huế. Mới đây, tỉnh đã ban hành một số chính sách đổi mới, cải tiến chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn giai đoạn 2021-2030. Trong đó, có hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương.

TS. Hồ Thắng nhận định, ngoài cơ chế chính sách, vấn đề cốt lõi hiện nay các làng nghề cần có cách nhìn mới hơn về xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm; phải xem giá trị thương hiệu làng nghề là một yếu tố không thể thiếu để phát triển làng nghề trong xu thế nền kinh tế hội nhập.

Hiện, Thừa Thiên Huế có 88 làng nghề; trong đó, có 69 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới du nhập với trên 2.600 cơ sở sản xuất. Các làng nghề truyền thống đều có bề dày lịch sử, với nhiều nghệ nhân có tay nghề điêu luyện.

 Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh

Nền an ninh nhân dân “là sức mạnh tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt”(1). Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 một lần nữa khẳng định: Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân phải là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, trong đó lực lượng công an giữ vai trò tham mưu và nòng cốt.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh
Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Festival Huế - Thương hiệu, đẳng cấp, hấp dẫn

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã trở thành một sự kiện được chú ý trong hệ thống các Festival trên thế giới.

Festival Huế - Thương hiệu, đẳng cấp, hấp dẫn
Vững chắc yêu thương

Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức trong tỉnh, các mạnh thường quân trên các mọi miền đất nước xây dựng vững chắc yêu thương trong lòng người dân biên giới.

Vững chắc yêu thương

TIN MỚI

Return to top