ClockThứ Sáu, 11/02/2022 17:24

Yên lòng người yêu Huế…

TTH.VN - "Lãnh đạo thành phố đã thống nhất rồi, nhất định giữ lại chứ không bán. Nếu bán, hòa vào ngân sách tiêu một cái sẽ hết vèo ngay. Thành phố sẽ giữ lại những địa chỉ đó để làm nơi kết nối, trưng bày, xây dựng “ngôi nhà Huế” trong nay mai", Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định khẳng định.

Món quà tặng “xứng đồng tiền bát gạo”Lan tỏa niềm đam mê với văn hóaXây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hạnh phúc, khát vọng vươn lênĐể phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập từ thực tiễn Cố đô HuếThêm một không gian giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống Huế

Với người Huế, hai tòa nhà trong khuôn viên 23-25 Lê Lợi không đơn thuần chỉ là công trình kiến trúc

Từ vài năm nay, qua lại đường Lê Lợi ở đoạn nhà số 15 (nhà sách Phương Nam cũ) nhiều người rất sốt ruột và tiếc khi thấy khu nhà đất rộng hàng ngàn mét vuông ở vị trí đắc địa như thế lại bị bỏ trống lâu ngày. Tiếp đó, khi nghe tin nhiều tòa nhà công sở trên tuyến đường này sẽ được di dời để nhượng chỗ cho doanh nghiệp khai thác, không ít người lo lắng nhà số 15, thậm chí cả khu nhà kiến trúc Pháp 23-25 Lê Lợi (trước đây là trụ sở HĐND-UBND Tp Huế) không khéo rồi cũng sẽ bị “bán đi” và sẽ được doanh nghiệp nào đó trúng thầu “hóa kiếp”. Nguy cơ Huế sẽ mất thêm hai tòa nhà tuyệt đẹp này.

Cho dù trước đó đã có thông tin thành phố dự kiến sẽ xây dựng “ngôi nhà Huế” ở khu vực này, nhưng việc nhiều tòa công sở nơi đây đã bắt đầu “lặng đèn tắt khói”, trụ sở của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tại địa chỉ số 26 cũng đã gỡ bảng chuyển đi khiến cho sự lo lắng trong nhiều người yêu Huế càng thêm hiện hữu.

Nói thêm, khu nhà đất tại địa chỉ 15 Lê Lợi có diện tích đất 3.260m2, diện tích xây dựng 930m2, diện tích sàn sử dụng 2.790m2 vốn được UBND TP. Huế đầu tư xây dựng và cho Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam thuê để kinh doanh, trong đó có mục đích tạo điều kiện phát triển văn hóa, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình sử dụng của doanh nghiệp đã không phát huy hiệu quả, không đáp ứng mục tiêu mà Huế đặt ra từ đầu, do vậy, năm 2018, UBND thành phố đã quyết định thu hồi để tìm kiếm nhà đầu tư có đủ năng lực.

Ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế (23-25 Lê Lợi)

Còn khuôn viên 23-25 Lê Lợi là nơi tọa lạc 2 tòa nhà xưa kiến trúc Pháp, ngày trước gọi là nhà công chánh. Sau này là trụ sở HĐND-UBND Tp Huế. Sau khi cơ quan công quyền thành phố chuyển về nơi làm việc mới tại khu hành chính công, đường Tố Hữu, hai tòa nhà này được giao cho ngành văn hóa thành phố làm Bảo tàng văn hóa Huế vào 2012, trưng bày nhiều hiện vật giàu giá trị văn hóa lịch sử gắn liền với vùng đất Huế; là nơi tổ chức các sự kiện trưng bày, triển lãm, hội thảo… nhân các kỳ Festival Nghề truyền thống, Festival Huế, và cũng là nơi tổ chức hoạt động ca Huế thính phòng được công chúng và du khách biết đến. Trong lòng người dân Huế, hai tòa nhà này vì thế không đơn thuần chỉ là công trình kiến trúc, mà còn là một góc của tâm thức, của hoài niệm, của hình ảnh xứ Huế xưa… Thế nên thật dễ hiểu về sự xuyến xao lo lắng của nhiều người khi thấy các cơ quan, công sở trên tuyến đường Lê Lợi rục rịch chuyển đi…

Và rồi, trong những ngày giáp tết con Hổ-2022, lãnh đạo TP. Huế đã tổ chức gặp mặt, động viên, cảm ơn và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tại đây, trong nhiều vấn đề được nêu ra, có doanh nghiệp đã đề cập đến chuyện sử dụng khu nhà đất 15 Lê Lợi. Và mọi người đã thực sự ấm lòng khi nghe Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định chia sẻ quan điểm của lãnh đạo thành phố về việc quyết giữ lại các khu nhà đất mà trên vừa đề cập: “Anh em chúng tôi trong lãnh đạo thành phố đã thống nhất rồi, nhất định giữ lại chứ không bán. Nếu bán, hòa vào ngân sách tiêu một cái sẽ hết vèo ngay. Thành phố sẽ giữ lại những địa chỉ đó để làm nơi kết nối, trưng bày, xây dựng “ngôi nhà Huế” trong nay mai.”- Ông Phan Thiên Định khẳng định.

“Ngôi nhà Huế” mà ông Định vừa nhắc từng được ông vỡ vạc với báo chí cách đây không lâu, đó là, thành phố sẽ cân nhắc sử dụng khu nhà đất 15 Lê Lợi kết hợp với địa chỉ 23 - 25 Lê Lợi, trên nền tảng 3 nhân tố cấu thành là Văn hóa nghệ thuật, kinh tế sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (tập trung vào lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, văn hóa nghệ thuật) để xây dựng nơi đây thành một không gian sống động, một một điểm nhấn cho Huế. Khẳng định và chia sẻ của ông Phan Thiên Định, người đứng đầu Đảng bộ và chính quyền thành phố như món quà lì xì ý nghĩa đầu năm khiến những người dự khán đều cảm thấy ấm lòng...

Bài, ảnh: Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Nỗi thương món Huế

Xứ Huế để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi vì nhiều lẽ: Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, con người duyên dáng và thanh lịch, chất văn hóa ngấm trong từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nếp sống, nếp nghĩ của con người Cố đô... Và, tôi còn vấn vương xứ Huế vì một lẽ khác nữa - những món của Huế!

Nỗi thương món Huế
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống hồ sơ khoa học về các lễ hội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các giá trị của lễ hội, lựa chọn để quảng bá những nét đẹp, hạn chế những lễ hội có những hình ảnh phản cảm.

Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế
Nhiều ý kiến hay từ một cuốn sách về văn hóa Huế

Cuối năm 2023, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ra mắt cuốn sách “Văn hóa Huế - Nhận diện các giá trị và hướng phát triển” (Nxb Đại học Huế, ấn hành tháng 11/2023). Sách dày 430 trang, với 36 công trình nghiên cứu của 36 tác giả, nhóm tác giả. Theo lời giới thiệu, đây là cuốn sách tập hợp các tham luận từ hai cuộc hội thảo do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức: “Văn hóa Huế - Nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển” (năm 2020) và “Phát huy giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật trong phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế” (năm 2019).

Nhiều ý kiến hay từ một cuốn sách về văn hóa Huế
Return to top